Cận thị và loạn thị là hai tật khúc xạ thường gặp ở mắt, cả hai đều làm ảnh hưởng đến thị lực khiến người bệnh không nhìn rõ hình ảnh trước mắt. Đây là 2 tình trạng hoàn toàn khác nhau, nhưng ít người có thể phân biệt được hai loại bệnh lý này.
Cận thị
- Ở mắt cận thị, điểm hội tụ của các tia sáng nằm phía trước võng mạc, do đó người bị cận thị có thể nhìn rõ mục tiêu ở khoảng cách gần, nhưng hình ảnh mờ nhòe khi nhìn ở cự ly xa hơn. Dấu hiện nhận biết cận thị có thể kể đến như bệnh nhân thường xuyên nheo mắt, chớp mắt để nhìn rõ mục tiêu, mỏi mắt đi kèm với đau đầu, lác mắt (thường xuất hiện ở người có độ cận thị cao).
- Một trong những nguyên nhân gây ra cận thị thường gặp là lực khúc xạ lớn hơn bình thường. Nếu mắt phải nhìn gần thường xuyên, sau một thời gian dài thể thủy tinh phồng lên làm tăng độ cong của giác mạc, từ đó thay đổi độ khúc xạ của mắt. Bên cạnh đó, trục nhãn cầu dài hơn bình thường cũng là nguyên do gây cận thị chủ yếu với các hệ quả nghiêm trọng như thị lực giảm sút, độ cận tăng nhanh, ảnh hưởng xấu đến võng mạc.
- Về yếu tố bẩm sinh, những người có cả cha mẹ bị cận thị có khả năng bị cận thị từ 20-30%, ở những người không có bố mẹ bị cận thị, tỷ lệ này là 2,5%. Nếu dựa theo yếu tố thói quen sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày, người có những thói quen gây hại cho mắt như học tập, làm việc với trong môi trường không đủ sáng, khoảng cách giữa mắt và các thiết bị điện tử quá gần,.. có nguy cơ bị cận thị cao gấp nhiều lần người bình thường.
- Cận thị có thể được phòng ngừa bằng cách duy trì những thói quen làm việc và sinh hoạt hợp lý, đặc biệt là những thói quen sử dụng mắt, như giữ tư thế ngồi đúng, giữ khoảng cách hợp lý giữa mắt và màn hình điện tử khi học tập, làm việc, hạn chế sử dụng thiết bị điện tử trong bóng tối, tăng tần suất nghỉ ngơi giữa giờ làm việc và tập thể dục mắt áp dụng quy tắc 20-20-20 (nghỉ ngơi 20 giây mỗi 20 phút làm việc và nhìn ra khoảng 6 mét).
Loạn thị
- Ở mắt loạn thị, các tia sáng hội tụ tại nhiều điểm trên võng mạc, thay vì một điểm, làm cho hình ảnh nhận biết được mờ nhòe, có cảm giác như hoa mắt. Loạn thị thường đi kèm với cận thị hoặc viễn thị. Nguyên nhân phổ biến là do giác mạc có hình dạng cầu không đều, làm mất khả năng hội tụ ánh sáng trên các trục.
- Loạn thị có các triệu chứng như hình ảnh mờ nhòe ở mọi khoảng cách, xuất hiện 2-3 bóng mờ, khó khăn khi nhìn trong điều kiện ánh sáng tối, mỏi mắt,…
- Người lớn và trẻ em đều có nguy cơ mắc tật loạn thị. Khả năng sẽ cao hơn nếu có bố mẹ bị loạn thị, hoặc có những sự bất thường ở giác mạc như sẹo giác mạc hoặc giác mạc hình chóp.
Phân biệt cận thị và loạn thị
Loạn thị và cận thị đều là 2 bệnh lý ở mắt liên quan đến tật khúc xạ phổ biến nhất hiện nay. Điểm chung của cả hai loại bệnh lý này là làm giảm thị lực, hạn chế tầm nhìn và gây ra nhiều điều bất tiện trong công việc và cuộc sống của bệnh nhân. Tuy nhiên, vẫn có những khác biệt cụ thể mà chúng ta dễ dàng phân biệt được.
Triệu chứng dễ phân biệt giữa loạn thị và cận thị đó là về thị lực của mắt. Với tật cận thị, người bệnh chỉ có thể nhìn rõ những vật ở khoảng cách gần và nhìn mờ những vật ở khoảng cách xa. Còn với tật loạn thị, dù ở khoảng cách gần hay xa, người bệnh đều nhìn mờ hoặc loạn nét tất cả các vật thể. Người mắc tật loạn thị sẽ gặp các triệu chứng về tầm nhìn như thấy hình ảnh đôi, vật thể bị méo mó, nhìn 1 vật có 2 hoặc 3 bóng mờ.
Hy vọng qua bài viết của Bệnh viện mắt Việt đã giúp các bạn phân biệt được cận thị và loạn thị. Khi bạn thấy có những dấu hiệu của cận thị hoặc loạn thị, nên nhanh chóng đến cơ sở chuyên khoa mắt uy tín để được các Bác sĩ thăm khám và kiểm tra để điều trị phù hợp.
Là một trong những trung tâm Y khoa về mắt hàng đầu Việt Nam, Bệnh viện mắt Việt tự hào là Bệnh viện đầu tiên trang bị phòng mổ áp lực dương, đảm bảo vô trùng tốt nhất tương đương tiêu chuẩn Mỹ và Châu Âu. Đồng thời luôn tự hào là hệ thống nhiều Bệnh viện cùng các Bác sĩ chuyên nghiệp, tận tâm để Bệnh nhân gửi gắm niềm tin cũng như tìm lại ánh sáng cho đôi mắt.