Viêm bờ mi nguyên nhân và cách điều trị

Viêm bờ mi là tình trạng viêm cấp hoặc mạn tính của bờ mi. Triệu chứng cơ năng và thực thể gồm ngứa và bỏng rát kèm theo đỏ và phù ở bờ mi. Chẩn đoán dựa vào hỏi bệnh và thăm khám. Viêm loét bờ mi cấp tính thường được điều trị bằng kháng sinh bôi tại chỗ hoặc thuốc kháng virus đường toàn thân.

Viêm bờ mi cấp tính không loét đôi lúc được điều trị bằng coricoid tra. Viêm mạn tính được điều trị bằng nước mắt nhân tạo, chườm ấm và đôi khi sử dụng kháng sinh uống (ví dụ, tetracycline) với rối loạn chức năng tuyến meibomius hoặc điều trị bằng vệ sinh bờ mi, nước mắt nhân tạo cho trường hợp viêm bờ mi tăng tiết bã nhờn.

Nguyên nhân viêm bờ mi

Viêm bờ mi có thể cấp tính (loét hoặc không loét) hoặc mãn tính (rối loạn tuyến meibomius, viêm bờ mi tăng tiết bã nhờn).

Viem Bo Mi 2
Viêm bờ mi cấp tính

 

 Ở bệnh nhân này, viền mí mắt trở nên phù nề và xuất hiện ban đỏ, lông mi bị đóng vảy tiết với dịch huyết thanh khô.

Viêm bờ mi cấp

Viêm loét bờ mi cấp tính thường do nhiễm khuẩn (thường là staphylococcal) ở gốc lông mi; các nang lông mi và các tuyến meibomius cũng có liên quan. Viêm bờ mi cũng có thể do vi rút (ví dụ, herpes simplex, varicella zoster). Các nhiễm trùng do vi khuẩn thường có nhiều dử hơn vi rút với nhiều dịch tiết huyết thanh.

Viêm bờ mi không hoại tử cấp thường gây ra bởi phản ứng dị ứng ở cùng vị trí (ví dụ, viêm da bờ mi dị ứng và viêm kết mạc bờ mi dị ứng theo mùa gây ngứa và nổi ban hoặc quá phẫn tiếp xúc [viêm da – bờ mi – kết mạc]).

Viêm bờ mi mạn tính

Viêm bờ mi mạn tính là tình trạng viêm không do nhiễm trùng không rõ nguyên nhân. Các tuyến Meibomius trong mi mắt sản xuất lớp mỡ (lipid) giúp hạn chế bay hơi lớp nước mắt thông qua tạo một lớp mỡ trên bề mặt lớp nước mắt. 

Rối loạn chức năng tuyến meibomius có bất thường thành phần lipit, và các ống dẫn cũng như lỗ tuyến trở nên đặc lại, tắc nghẽn bởi các nút chất tiết cứng dạng sáp. Nhiều bệnh nhân bị trứng cá đỏ và chắp hoặc lẹo tái phát.

Viem Bo Mi
Viêm bờ mi mãn tính

Bệnh nhân này bị viêm bờ mi mạn tính (viêm với phù nhẹ và đỏ) của mí mắt, trong trường hợp này là do bệnh chàm.

Nhiều bệnh nhân bị viêm bờ mi tăng tiết bã nhờn có viêm da tăng tiết bã nhờn mặt và da đầu hoặc mụn trứng cá đỏ. Nhiễm trùng thứ phát thường xảy ra trên các mảng vảy đóng trên bờ mi. Tuyến meibomius có thể bị tắc nghẽn.

Trên hầu hết các bệnh nhân có rối loạn chức năng tuyến meibomius hoặc viêm bờ mi tăng tiết bã nhờn xảy ra sự bốc hơi nước mắt và viêm kết giác mạc khô, hay khô mắt.

Triệu trứng viêm bờ mi

Các triệu chứng cơ năng phổ biến ở tất cả các dạng viêm bờ mi bao gồm ngứa, bỏng rát mí mắt, kích ứng kết mạc với chảy nước mắt, nhạy cảm ánh sáng, và cảm giác cộm mắt.

Viêm bờ mi cấp

Trong viêm loét bờ mi cấp tính, mụn mủ nhỏ có thể phát triển trong các nang lông mi và cuối cùng vỡ ra để tạo thành ổ loét nông có bờ rõ. Màng tiết tố dính chặt gây chảy máu khi bóc.

Trong thời gian ngủ, mi mắt có thể bị dính lại bởi tiết tố khô. Viêm bờ mi loét tái phát có thể gây sẹo bờ mi hoặc lông mi mọc ngược (lông xiêu). Trong viêm bờ mi không loét cấp tính cấp, bờ mi nề đỏ; lông mi có thể bám tiết tố khô.

Viêm bờ mi mãn tính

Khi khám bệnh nhân có rối loạn chức năng tuyến meibomius sẽ phát hiện các lỗ tuyến giãn và đặc lại, khi ấn vào sẽ thấy tiết tố vàng, đặc dạng sáp chảy ra. Viêm bờ mi tăng tiết bã nhờn có lớp vảy mỡ dễ bóc trên bờ mi.

Hầu hết các bệnh nhân có viêm bờ mi tăng tiết bã nhờn và bất thường chức năng tuyến meibomius có triệu chứng của viêm kết giác mạc khô như cảm giác dị vật, cộm, căng mỏi mắt và nhìn mờ nếu cố nhìn kéo dài.

Chuẩn đoán viêm bờ mi

  • Khám sinh hiển vi

Chẩn đoán thường dựa vào khám sinh hiển vi. Viêm bờ mi mạn tính không đáp ứng với điều trị có thể cần phải sinh thiết để loại trừ các khối u mi mắt cũng gây tình trạng tương tự.

Tiên lượng

Viêm bờ mi cấp tính thường đáp ứng với điều trị nhưng có thể tái phát tiến triển thành viêm mạn tính. Viêm bờ mi mạn tính không đau, tái phát và không đáp ứng với điều trị. 

Viem Bo Mi 4
Chuẩn đoán viêm bờ mi

Biểu hiện của bệnh tiến triển là cảm giác không thoải mái và kém thẩm mỹ nhưng thường không gây sẹo giác mạc hoặc mất thị lực.

Điều trị

  • Thuốc kháng sinh cho viêm loét bờ mi cấp tính; chườm ấm và đôi khi dùng corticoid tại chỗ cho viêm bờ mi không loét cấp tính.
  • Đối với viêm bờ mi mạn tính, điều trị viêm kết giác mạc khô, chườm ấm, làm sạch mí mắt, vệ sinh bờ mi, dùng kháng sinh tại chỗ hoặc toàn thân theo chỉ định trên lâm sàng

Viêm bờ mi cấp tính

Viêm loét bờ mi cấp tính được điều trị bằng thuốc mỡ kháng sinh (ví dụ, bacitracin / polyxin B, erythromycin, hoặc gentamicin 0.3% trong 7 đến 10 ngày). Viêm loét bờ mi cấp tính do virus được điều trị bằng thuốc kháng vi rút toàn thân (ví dụ như herpes simplex, acyclovir 400 mg / ngày trong 7 ngày, đối với varicella zoster, famciclovir 500 mg uống ngày 3 lần hoặc valacyclovir 1 g / ngày trong 7 ngày).

Điều trị viêm bờ mi không loét cấp tính cần bắt đầu từ tránh các tác động gây tổn thương (ví dụ, dụi hoặc gãi) hoặc hóa chất (ví dụ, thuốc nhỏ mắt mới). Chườm ấm bờ mi giúp đỡ triệu chứng và tăng tốc độ hồi phục. Nếu vẫn sưng > 24 giờ, sử dụng corticoid bôi tại chỗ (ví dụ thuốc mỡ tra mắt fluorometholone 0,1% trong vòng 7 ngày).

Viêm bờ mi mạn tính

Rối loạn chức năng tuyến meibomius và viêm bờ mi tăng tiết bã nhờn được điều trị theo hướng viêm kết giác mạc khô. Bổ sung nước mắt nhân tạo tra trong ngày, thuốc mỡ tra ban đêm, và, nút lỗ lệ nếu cần (chặn đường thoát nước mắt) có hiệu quả ở hầu hết các bệnh nhân.

Nếu cần thiết, điều trị bổ sung cho rối loạn tuyến bờ mi bao gồm chườm ấm để làm tan các tiết tố dạng sáp và đôi khi massage mí mắt để loại bỏ các chất tiết ứ đọng và tăng cường lớp mỡ phủ bề mặt nhãn cầu.

Hình 4: Viêm bờ mi mạn tính

Nếu cần thiết, điều trị bổ sung cho viêm bờ mi tăng tiết bã nhờn gồm làm sạch nhẹ nhàng bờ mi (đánh bờ mi) 2 lần một ngày bằng bông tăm bông nhúng vào dung dịch dầu gội dành cho trẻ em (từ 2 đến 3 giọt trong ½ chén nước ấm). 

Có thể thêm thuốc mỡ kháng sinh tại chỗ (erythromycin, bacitracin / polymyxin B hoặc sulfacetamide 10% liều tối đa tới 3 tháng) để giảm lượng vi khuẩn trên mi mắt khi các trường hợp không đáp ứng điều trị tới vài tuần với vệ sinh bờ mi.

Trong một số trường hợp, tetracycline (ví dụ, doxycycline 100 mg uống rồi giảm liều dần từ 3 đến 4 tháng) cũng có thể có hiệu quả vì thuốc thay đổi thành phần của chất tiết từ tuyến meibomius hoặc thay đổi thành phần của vi khuẩn trên da.

Những điểm chính của viêm bờ mi cấp

  • Các hình thái viêm loét bờ mi cấp tính bao gồm loét cấp tính (thường là loét do tụ cầu hoặc herpes), không loét cấp tính (thường dị ứng) và mạn tính (thường gặp rối loạn chức năng tuyến meibomius hoặc viêm da tăng tiết bã nhờn).
  • Viêm kết mạc khô thứ phát thường kèm viêm bờ mi mạn.
  • Các triệu chứng thông thường gồm ngứa, cảm giác bỏng rát bờ mi, kích thích kết mạc kèm theo chảy nước mắt, sợ ánh sáng và cảm giác cộm mắt.
  • Chẩn đoán thông thường bằng dựa vào khám sinh hiển vi.
  • Các phương pháp điều trị hỗ trợ được chỉ định (ví dụ như chườm ấm, vệ sinh bờ mi, và điều trị viêm kết giác mạc khô khi cần thiết).
  • Các phương pháp điều trị đặc hiệu có thể bao gồm kháng sinh cho viêm loét bờ mi cấp và đôi khi là viêm bờ mi mạn tính mãn tính và corticoid bôi ngoài da cho viêm bờ mi không loét cấp tính dai dẳng.

Mong rằng qua bài viết trên đây của mắt Việt Hospital cùng kiến thức của Bs CKII Nguyễn Đỗ Thanh Lam thì bạn đã biết được Viêm bờ mi là gì? nhé!

Nguồn: BS CKII. NGUYỄN ĐỖ THANH LAM