Đổ ghèn ở trẻ sơ sinh là một tình trạng phổ biến, có 2 nguyên nhân thường gặp nhất là tắc lệ đạo bẩm sinh và viêm kết mạc sơ sinh. Tình trạng này hiếm khi lo ngại nếu nguyên nhân xảy ra là do tắc lệ đạo bẩm sinh, tuy nhiên sẽ đáng báo động hơn khi xuất hiện ghèn ở cả 2 mắt, số lượng nhiều hơn, có màu vàng xanh kèm sưng, đỏ mắt thì có thể trẻ bị viêm kết mạc sơ sinh.
Tắc lệ đạo bẩm sinh (Congenital nasolacrimal duct obstruction)
Tắc lệ đạo bẩm sinh là tình trạng tắc nghẽn sự lưu thông nước mắt trong hệ thống ống nối thông từ mắt xuống mũi, thường biểu hiện trong những ngày đầu sau sinh. Sự bất thường này do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra.
Hệ thống ống dẫn nước mắt, hay gọi lệ đạo, bắt đầu từ 2 lỗ lệ nhỏ nằm góc trong mi mắt phía trên và phía dưới, dẫn tới lệ quản, túi lệ, ống lệ mũi và kết thúc tại khe mũi dưới. Bình thường, nước mắt được sản xuất từ tuyến lệ ngay phía trên mắt, có nhiệm vụ giúp làm sạch và bôi trơn bề mặt mắt. Khi chớp mắt, mi mắt đẩy nước mắt vào lệ đạo và chảy xuống mũi.
Do có một số nguyên nhân gây tắc nghẽn sự lưu thông
- Tắc valve trong hệ thống ống dẫn đầu gần/ đầu xa túi lệ: thường gặp nhất. Thường tự khỏi trong năm đầu từ 80% – 90%.
- Không có hoặc hẹp điểm lệ.
- Dị dạng ống lệ mũi bẩm sinh.
Nếu ống dẫn nước mắt bị tắc, nước mắt không thể chảy khỏi bề mặt mắt và làm cho trẻ chảy nước mắt (mắt ướt) và đọng lại dịch nhầy (ghèn trong) ở các khóe mắt, đặc biệt mỗi sáng ngủ dậy, mắt trẻ hay có nhiều ghèn vàng khô lại đóng thành vảy ở quanh mi mắt. Trẻ có thể bị ở một hoặc cả hai mắt.
Tắc lệ đạo kéo dài sẽ ứ đọng ghèn mủ nhầy gây ra viêm kết mạc tái đi tái lại, biến chứng viêm mủ túi lệ hoặc áp xe túi lệ, thậm chí gây viêm tổ chức hốc mắt, dò túi lệ (trong trường hợp áp xe vỡ).
Phương pháp điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân và độ tuổi mắc bệnh.
Thông thường, trẻ bị tắc lệ đạo dưới 12 tháng tuổi: phụ huynh cần vệ sinh mắt sạch sẽ, nhẹ nhàng bằng nước muối sinh lý, và day (massage) vùng túi lệ (góc trong mắt) ngày 3 – 4 lần, mỗi lần 5 phút (như hình). Nếu phát hiện mắt bé sưng đỏ, cần đưa bé đến bác sĩ chuyên khoa mắt để khám ngay.
Viêm kết mạc sơ sinh (Ophthalmia neonatorum/ Neonatal conjunctivitis)
Viêm kết mạc sơ sinh là tình trạng kết mạc mắt của trẻ bị viêm trong 28 ngày đầu sau sinh. Thông thường trẻ bị lây từ mẹ trong trường hợp mẹ mắc bệnh STD và sanh thường. Có 2 nhóm nguyên nhân chính:
Do nhiễm trùng
- Vi khuẩn lậu cầu (Neisseria gonorrhoea): xuất hiện sớm từ 2 – 4 ngày sau sinh, diễn tiến bệnh nhanh, có nguy cơ gây loét và thủng giác mạc nếu không điều trị kịp thời.
- Vi khuẩn Chlamydia trachomatis: xuất hiện muộn hơn từ 5 – 14 ngày sau sinh, có thể kèm viêm phổi.
- Vi khuẩn thông thường khác: Staphylococcus spp., Streptococcus spp., Haemophilus spp. thường khởi phát sau tuần thứ 2.
- Virus (phổ biến nhất là Herpes simplex type 2): hiếm nhưng nguy hiểm, xuất hiện từ ngày thứ 6 đến ngày 14 sau sinh, có thể gây tổn thương giác mạc và hệ thần kinh trung ương.
Do kích ứng hóa học: ít gặp, trước đây dùng thuốc nhỏ mắt chứa bạc nitrate để phòng ngừa viêm kết mạc do lậu, xuất hiện trong vòng 24 – 48 giờ sau sinh. Tình trạng nhẹ và có thể tự khỏi.
Trẻ bị viêm kết mạc biểu hiện: Đỏ mắt ở một hoặc hai mắt, đổ ghèn nhiều màu vàng xanh, có thể đặc quánh, dính mi vào buổi sáng. Trường hợp nặng, thấy mi mắt sưng nề, trẻ khó chịu khi có ánh sáng kèm sốt, quấy khóc, bỏ bú.
Xem thêm: Có nên đeo kính đúng độ hay thấp hơn? Những sai lầm phổ biến và hậu quả đáng lo ngại
Điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh
Trong mọi trường hợp, việc vệ sinh mắt đúng cách là bước đầu tiên và rất quan trọng để giúp làm sạch chất tiết (ghèn), giảm nguy cơ lan rộng và hỗ trợ điều trị hiệu quả.
Thực hiện vệ sinh mắt 3 – 6 lần/ngày mỗi ngày hoặc bất kỳ khi nào mắt bé bị ghèn nhiều. Nên vệ sinh kỹ trước khi nhỏ thuốc để thuốc tác dụng hiệu quả hơn.
Chuẩn bị dụng cụ, gồm: bông gòn/gạc dùng 1 lần, nước muối sinh lý (NaCl 0,9%).
- Bước 1: Rửa tay thật sạch bằng dung dịch xà phòng sát khuẩn hoặc rửa tay nhanh.
- Bước 2: Đặt bé nằm ngửa, đầu hơi ngửa ra sau, có thể nhờ người giữ bé nếu cần để tránh bé quẫy.
- Bước 3: Nhỏ 3 – 4 giọt nước muối sinh lý vào mắt bé, mục đích để làm loãng và mềm các chất tiết khô, dễ lau hơn.
- Bước 4: Dùng bông gòn/gạc sạch lau từ trong khóe mắt ra ngoài. Mỗi lần lau chỉ dùng một miếng gạc mới để tránh lây nhiễm chéo, không lau đi lau lại cùng một miếng gạc.
- Bước 5: Lặp lại với mắt bên kia (nếu 2 mắt đều bị), dùng gạc và nước muối riêng cho từng mắt để tránh lây nhiễm chéo, kéo dài.
- Bước 6: Lau khô nhẹ nhàng quanh mắt nếu cần.
Lưu ý:
Không dùng chung khăn, gạc, thuốc nhỏ mắt giữa các mắt hoặc với bé khác.
Không tự ý dùng thuốc nhỏ mắt chứa corticoid, vì có thể gây biến chứng nghiêm trọng.
Để tránh lây nhiễm cho các thành viên trong gia đình, nên rửa tay thường xuyên trước và sau tiếp xúc với bé (đặc biệt nếu có dính ghèn).
Nếu dịch mủ vàng đặc, mắt sưng nhiều, bé sốt hoặc quấy khóc liên tục, cần đưa đi gặp bác sĩ ngay. Trong trường hợp trẻ bị viêm kết mạc nặng, bác sĩ có thể cho bé dùng kết hợp thuốc nhỏ tại chỗ, thuốc kháng sinh đường uống, tiêm thuốc tĩnh mạch.