Liệu pháp ánh sáng đỏ kiểm soát tiến triển cận thị

Tư vấn chuyên môn bài viết

Bác sĩ CKII 

Đặng Đức Khánh Tiên

Bệnh Viện Mắt Việt

Hiện nay, các phương pháp kiểm soát cận thị phổ biến như phương pháp chỉnh hình giác mạc Ortho-K, kính gọng đa tròng, kính cận có thiết kế độ nhìn gần hoặc dùng Atropine nồng độ thấp đang áp dụng, tuy nhiên tỷ lệ hiệu quả chỉ đạt khoảng 30% -50%, mỗi phương pháp đều có một số nhược điểm.

Cách dành nhiều thời gian ở ngoài trời dưới ánh sáng mạnh đã được chứng minh là có thể làm giảm nguy cơ cận thị, một số nghiên cứu khuyến nghị sử dụng tường và trần kính cho trường học. Tuy nhiên, chiến lược này tốn kém và đầy thách thức.

Tư vấn chuyên môn bài viết Bs CKII Đặng Đức Khánh Tiên Bệnh Viện Mắt Việt

Liệu pháp ánh sáng đỏ kiểm soát tiến triển cận thị

Gần đây, giải pháp thay thế được đề xuất cung cấp ánh sáng trực tiếp đến võng mạc trong thời gian ngắn thông qua một thiết bị phát ra ánh sáng đỏ ở bước sóng 650 nm: Liệu pháp ánh sáng đỏ – Repeated low-level red light (RLRL): một phương pháp tiếp cận mới kiểm soát cận thị ở trẻ em.

Liệu pháp ánh sáng đỏ (RLRL) cường độ thấp là phương pháp không xâm lấn, được thực hiện tại nhà và có sự giám sát của cha mẹ.

Một thiết bị để bàn cung cấp ánh sáng đỏ ở bước sóng 650 nm.

Thiết bị cho liệu pháp ánh sáng đỏ.
Thiết bị cho liệu pháp ánh sáng đỏ.

Trong thời gian 12 tháng, liệu pháp được thực hiện hai lần mỗi ngày, năm ngày một tuần. Mỗi buổi kéo dài ba phút và khoảng cách giữa các lần điều trị ít nhất là bốn giờ.

Phương pháp điều trị ánh sáng đỏ RLRL ít gây gián đoạn đến thói quen hàng ngày của người nhận, chỉ yêu cầu họ nhìn vào thị kính của các thiết bị có sẵn trong ba phút hai lần một ngày. Đây là một can thiệp không xâm lấn và không dùng thuốc, khiến nó trở thành một lựa chọn mong muốn cho cha mẹ và trẻ em.

Ánh sáng đỏ là gì?

Là ánh sáng đơn sắc, cho độ đặc hiệu cao đối với điều biến sinh học phân tử.

Ánh sáng đỏ có thể được tạo ra bởi tia laser hoặc điốt phát sáng (LED), áp dụng cho điều biến sinh học quang trong mắt.

Ánh sáng đỏ xa và hồng ngoại gần do đèn LED hoặc tia laser tạo ra, có thể thúc đẩy lưu lượng máu não, võng mạc – kích thích quá trình chuyển hóa năng lượng của não võng mạc – làm tăng khả năng chống oxy hóa, trung gian tăng trưởng tế bào và cải thiện khả năng phục hồi trong tế bào.

Ánh sáng đỏ xa và hồng ngoại gần cũng có thể bảo vệ, tăng cường khả năng phục hồi chức năng dây thần kinh thị giác.

Ánh sáng đỏ cường độ thấp
Ánh sáng đỏ cường độ thấp

Liệu pháp ánh sáng đỏ có thể làm chậm tình trạng cận thị ở trẻ em không?

Lý thuyết về liệu pháp RLRL là tạo ra một giải pháp thay thế hiệu quả về thời gian cho việc tăng cường tiếp xúc với ánh sáng ở trẻ em để kiểm soát cận thị.

Liệu pháp (RLRL) sử dụng ánh sáng đỏ với bước sóng 650nm chiếu lên mắt, làm tăng lưu lượng máu đến mắt, giảm tình trạng thiếu oxy tại võng mạc và tăng chiều dày hắc mạc, từ đó hạn chế tăng chiều dài trục nhãn cầu.

Cơ chế tác dụng của ánh sáng đỏ RLRL trên võng mạc.

Vai trò ánh sáng đỏ giải phóng dopamin (DA):

Ánh sáng thúc đẩy quá trình tổng hợp và giải phóng dopamine (DA) bởi võng mạc. Ánh sáng đỏ, xanh lam, cực tím đều kích thích giải phóng DA võng mạc nhưng tùy thuộc vào bước sóng của ánh sáng.

DA là một chất dẫn truyền thần kinh quan trọng trong võng mạc, điều chỉnh nhiều chức năng, chẳng hạn như sự phát triển khúc xạ.

DA kích hoạt thụ thể β, truyền tín hiệu thị giác và sự phát triển cận thị, có thể là thông qua kích hoạt thụ thể của nó. DA liên kết với protein G có hầu hết các tế bào thần kinh trong võng mạc, bao gồm các thụ thể D1R, D2R, D4R và D5R. Thụ thể DR2 quan trọng hơn trong việc trung gian tiến triển cận thị so với thụ thể DR1(kích hoạt thụ thể DR2 có thể dẫn đến cận thị, thụ thể DR1 có thể gây viễn thị).

Ánh sáng có thể giải phóng DA từ võng mạc, giải phóng oxit nitric (NO) từ võng mạc và màng mạch, thúc đẩy sự dày lên của màng mạch làm sự chậm phát triển của trục nhãn cầu và làm chậm quá trình phát triển cận thị.

Tác dụng phụ liệu pháp ánh sáng đỏ cường độ thấp

Chưa ghi nhận bất kỳ một phản ứng bất lợi nghiêm trọng nào ở các nghiên cứu lâm sàng trên thế giới. Có thể gặp một số tác động như giảm thị lực tạm thời, lóa mắt, chói mắt từ vài giây đến vài phút, một số trường hợp có thể là vài ngày hoặc chứng ám điểm tuyệt đối (scotoma).

So sánh liệu pháp ánh sáng đỏ cường độ thấp với các phương pháp khác

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, dùng phương pháp Ortho-K cho hiệu quả kiểm soát cận thị khoảng 50% – 70%, tuy nhiên tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng giác mạc cũng như khó khăn trong việc tuân thủ đeo kính mỗi đêm.

Sử dụng Atropin nồng độ thấp cho hiệu quả 50% kiểm soát cận thị tiến triển, phương pháp này có thể gặp một số nguy cơ như gây khó khăn khi nhìn gần, chói mắt…

Phương pháp ánh sáng đỏ cường độ thấp cho thấy hiệu quả điều trị, kiểm soát cận thị là 70-75%. Tác dụng phụ ít gặp như chói, lóa mắt trong thời gian ngắn.

Liệu pháp RLRL là phương pháp không xâm lấn, không dùng thuốc, được xem là an toàn và dung nạp tốt

Liệu pháp ánh sáng đỏ cường độ thấp sử dụng như thế nào?

Thường sử dụng thiết bị chiếu sáng để bàn tại nhà, có sự theo dõi và kiểm soát của phụ huynh khi điều trị.

Ánh sáng được sử dụng trong phương pháp này là ánh sáng đỏ, với bước sóng 650nm  (một số nghiên cứu dùng bước sóng 635nm).

Hình: Liệu pháp ánh sáng đỏ RLRL kiểm soát cận thị.

Điều trị: 3 phút/lần, 2 lần/ngày, 5 ngày/tuần, khoảng cách giữa 2 lần điều trị liên tiếp cách nhau ít nhất 4 giờ.

Tần suất: các buổi trị liệu bằng ánh sáng đỏ có thể thay đổi tùy thuộc vào nhu cầu của từng cá nhân và thiết bị sử dụng.

Kết quả: tùy thuộc mức độ cận thị và việc tuân thủ chế độ điều trị.

Tính hiệu quả và an toàn của liệu pháp ánh sáng đỏ RLRL

Liệu pháp ánh sáng đỏ cường độ thấp đang là một phương pháp điều trị đầy hứa hẹn giúp kiểm soát cận thị ở trẻ em, được áp dụng ở một số nước trên thế giới, ví dụ tại Trung Quốc đang được chấp nhận tốt và ghi nhận không có tổn thương về chức năng hoặc cấu trúc trong các nghiên cứu lâm sàng.

Là phương pháp mới trong những năm gần đây, do vậy cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu để có đánh giá về hiệu quả và độ an toàn trong thời gian dài hơn (5-10 năm) để hiểu đầy đủ hơn về lợi ích và rủi ro lâu dài của liệu pháp ánh sáng đỏ RLRL đối với cận thị.

Trước khi lựa chọn liệu pháp này cần phụ huynh cân nhắc, tham khảo thêm ý kiến bác sĩ nhãn khoa của con bạn về các giải pháp tiềm năng khác, chẳng hạn như thuốc nhỏ mắt atropine liều thấp, kính cận thị đa tròng, kính áp tròng Ortho đang được FDA chấp thuận. Lựa chọn tốt nhất của bạn là thực hiện một số thay đổi đơn giản cho con bạn như giảm thời gian sử dụng màn hình, tăng thời gian ở ngoài trời.

Bệnh viện mắt Việt

Bs CKII Đặng Đức Khánh Tiên

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào Bạn! Bệnh viện mắt Việt đã sẵn sàng hỗ trợ và tư vấn miễn phí