Vẩn đục dịch kính (Vitreous opacities), thường được biết đến với tên gọi “ruồi bay” (Eye floaters) là một hiện tượng phổ biến, đặc biệt ở người lớn tuổi. Tình trạng này đặc trưng bởi sự xuất hiện của các chấm đen, vệt xám, hoặc hình mạng nhện trôi lơ lửng trong tầm nhìn.
Đa số nguyên nhân xảy ra là lành tính, do sự lão hóa của dịch kính và không gây nguy hiểm trực tiếp đến thị lực, tuy nhiên nó cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo cho các nguyên nhân nghiêm trọng hơn, đe dọa thị lực vĩnh viễn.
Do đó việc điều trị vẩn đục dịch kính không theo một phác đồ chung mà được cá nhân hóa. Bác sĩ khám và đánh giá toàn diện tình trạng của từng bệnh nhân, bao gồm: nguyên nhân, mức độ ảnh hưởng đến thị lực, chất lượng cuộc sống, các bệnh lý mắt kèm theo và các yếu tố nguy cơ. Việc xác định đúng nguyên nhân sẽ định hướng phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Dưới đây là các phương pháp điều trị phổ biến tùy theo nguyên nhân:
Vẩn đục dịch kính do lão hóa (nguyên nhân phổ biến nhất)
Đây là nguyên nhân thường gặp, đặc biệt ở người lớn tuổi hoặc người cận thị. Dịch kính bị hóa lỏng và các sợi collagen trong dịch kính bị thoái hóa và co cụm lại, tạo thành các vẩn đục di động.
Theo dõi và thích nghi: Phần lớn các trường hợp vẩn đục dịch kính là lành tính và không gây nguy hiểm đáng kể cho thị lực. Người bệnh có thể học cách làm quen với sự hiện diện của chúng. Não bộ có khả năng điều chỉnh và ít chú ý đến các hình ảnh lơ lửng theo thời gian.
Vẩn đục dịch kính do xuất huyết
Những dấu hiệu cảnh báo: sự xuất hiện đột ngột hoặc gia tăng số lượng vẩn đục, kèm theo chớp sáng liên tục, mất thị trường (như có màn che), đau mắt, đỏ mắt hoặc giảm thị lực đột ngột. Trong những trường hợp này, cần thăm khám nhãn khoa khẩn cấp để loại trừ các bệnh lý đe dọa thị lực vĩnh viễn như rách hoặc bong võng mạc đồng thời xác định mức độ, nguyên nhân của xuất huyết dịch kính.
Theo dõi và nghỉ ngơi: Đối với xuất huyết nhẹ, máu có thể tự hấp thụ trong vài tuần hoặc vài tháng. Bác sĩ thường khuyên bệnh nhân nghỉ ngơi, nằm đầu cao, hạn chế vận động mạnh.
Thuốc: Bác sĩ có thể kê đơn thuốc uống, thuốc nhỏ mắt, và/hoặc thuốc tiêm nội nhãn chống tăng sinh mạch máu (Anti-VEGF) để hỗ trợ quá trình hấp thụ máu hoặc kiểm soát các tình trạng bệnh lý nền như võng mạc đái tháo đường, thoái hóa hoàng điểm tuổi già, …
Laser quang đông: Nếu xuất huyết do mạch máu bất thường (thường gặp trong bệnh võng mạc tiểu đường), laser quang đông có thể được sử dụng để đốt các mạch máu này, ngăn ngừa tái xuất huyết.
Phẫu thuật cắt dịch kính: Nếu xuất huyết nghiêm trọng, không tự tiêu hoặc gây biến chứng (như bong võng mạc), phẫu thuật cắt dịch kính là cần thiết để loại bỏ máu và điều trị nguyên nhân gây chảy máu.
Vẩn đục dịch kính do viêm (viêm màng bồ đào)
Viêm trong mắt có thể gây ra sự lắng đọng của các tế bào viêm trong dịch kính, tạo thành vẩn đục.
Điều trị nguyên nhân viêm: Quan trọng nhất là điều trị nguyên nhân gây viêm màng bồ đào. Điều này có thể bao gồm sử dụng thuốc chống viêm (steroid), thuốc ức chế miễn dịch hoặc thuốc kháng sinh/kháng virus tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể.
Thuốc nhỏ mắt, thuốc tiêm hoặc thuốc uống: Các loại thuốc này giúp kiểm soát phản ứng viêm và giảm vẩn đục.
Phẫu thuật cắt dịch kính: Trong những trường hợp viêm nặng, kéo dài, hoặc khi vẩn đục quá dày đặc làm giảm thị lực nghiêm trọng và không đáp ứng với điều trị nội khoa, phẫu thuật cắt dịch kính có thể được cân nhắc để loại bỏ dịch kính bị viêm và các vẩn đục.
Vẩn đục dịch kính hậu phẫu
Sau một số phẫu thuật nội nhãn (ví dụ: phẫu thuật đục thủy tinh thể), có thể xuất hiện vẩn đục dịch kính do phản ứng viêm hoặc một số mảnh vỡ còn sót lại.
Thuốc nhỏ mắt chống viêm: Để kiểm soát phản ứng viêm sau phẫu thuật.
Theo dõi: Một số vẩn đục nhẹ có thể tự tiêu biến theo thời gian.
Can thiệp thêm: Trong trường hợp vẩn đục lớn hoặc gây ảnh hưởng đáng kể, bác sĩ có thể cân nhắc laser hoặc phẫu thuật cắt dịch kính tùy theo tình hình cụ thể.
Lưu ý quan trọng
Chẩn đoán chính xác: Việc xác định chính xác nguyên nhân gây vẩn đục dịch kính là bước đầu tiên và quan trọng nhất để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
Không tự ý điều trị: Bệnh nhân không nên tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt hoặc các phương pháp khác mà không có sự thăm khám và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa mắt.
Khám mắt định kỳ: Nếu bạn đột nhiên thấy vẩn đục dịch kính xuất hiện nhiều, kèm theo chớp sáng, hoặc thị lực giảm sút nhanh chóng, hãy đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra kịp thời, vì đây có thể là dấu hiệu của các tình trạng nghiêm trọng hơn như bong võng mạc.
Ths Bác sĩ Nguyễn Trần Kiên An