Bị vẩn đục dịch kính có tự hết không?

Vẩn đục dịch kính, hay dân gian gọi là “ruồi bay”, là một tình trạng khá phổ biến, đặc biệt ở người trung niên và lớn tuổi. Những đốm đen, sợi, bóng mờ hay mạng nhện lơ lửng trước mắt có thể khiến nhiều người lo lắng, nhất là khi chúng xuất hiện đột ngột. Một trong những câu hỏi phổ biến nhất khi gặp tình trạng này là: “Liệu vẩn đục dịch kính có tự hết được không?” Câu trả lời không hoàn toàn đơn giản, vì nó còn phụ thuộc vào nguyên nhân, mức độ và tình trạng sức khỏe của mắt.

Dịch kính là gì?

Dịch kính, hay còn gọi là pha lê thể (Vitreous humor/ Vitreous body), là một cấu trúc gel trong suốt, gồm chủ yếu nước (khoảng 99%), cùng với các sợi collagen (1%) và acid hyaluronic – giúp tạo độ đặc, đàn hồi có tính ổn định. Nó nằm sau thể thủy tinh và trước võng mạc, được bao bọc bởi màng dịch kính. Chiếm khoảng 80% thể tích nhãn cầu.

Dịch kính là khối gel trong suốt chiếm 2/3 thể tích nhãn cầu.
Dịch kính là khối gel trong suốt chiếm 2/3 thể tích nhãn cầu.

Vai trò chính của dịch kính là duy trì hình dạng cầu của nhãn cầu, cung cấp dinh dưỡng cho các bộ phận khác của mắt và cho phép ánh sáng đi qua để hội tụ trên võng mạc.

Vẩn đục dịch kính là gì?

Vẩn đục dịch kính, hay vẩn đục pha lê thể (Eye floaters hay Vitreous opacities), là tình trạng các chất dịch đặc lắng đọng hoặc ngưng tụ trong dịch kính, tạo thành các hình ảnh lơ lửng trong tầm nhìn, thường được ví như “ruồi bay”. Những đốm này có thể có nhiều hình dạng khác nhau như hạt, dây, chấm tròn, sợi, mạng nhện, hoặc các hình dạng chữ “O” hoặc “C”. Màu sắc của chúng thường là đen hoặc xám.

Các vật thể này di chuyển khi mắt cử động, và khi người bệnh cố gắng nhìn trực tiếp vào chúng, chúng có xu hướng “đánh lừa” tầm nhìn bằng cách di chuyển nhanh ra khỏi hướng nhìn. Điều này xảy ra do vẩn đục nằm lơ lửng trong dịch kính, một chất gel có độ nhớt và quán tính nhất định. Khi mắt di chuyển, dịch kính và các vẩn đục bên trong cũng di chuyển theo, nhưng với một độ trễ nhỏ. Do đó, khi tầm nhìn cố định vào một điểm, các vẩn đục sẽ trôi dạt ra khỏi trục nhìn thẳng. Hiện tượng này giải thích tại sao việc chớp mắt không thể loại bỏ chúng, vì chúng không nằm trên bề mặt mắt mà ở bên trong nhãn cầu.

Các vẩn đục thường dễ nhận thấy nhất khi nhìn vào một nền sáng đồng nhất như bầu trời xanh hoặc bức tường trắng, vì khi đó đồng tử co lại, làm tăng độ tương phản của bóng đổ. Khi nằm xuống, các vẩn đục này có xu hướng chìm xuống phía dưới mắt do trọng lực, rơi về gần hoàng điểm nên người bệnh nhìn rõ hơn.

(Trái) Mắt bình thường. (Phải) Vẩn đục dịch kính.
(Trái) Mắt bình thường. (Phải) Vẩn đục dịch kính.

Nguyên nhân vẩn đục dịch kính là gì?

Nguyên nhân phổ biến nhất: Do lão hóa

Theo thời gian, quá trình lão hóa xảy ra, dịch kính sẽ dần bị hóa lỏng và co lại. Trong quá trình này, các sợi collagen siêu nhỏ trong dịch kính, vốn phân bố đều đặn để duy trì độ trong suốt, có xu hướng vón cục hoặc tách rời khỏi khối gel, tạo thành các đám vẩn đục. Những đám này sau đó sẽ đổ bóng lên võng mạc, gây ra hiện tượng “ruồi bay” mà người bệnh nhìn thấy.

Hình: Bất kỳ sự thay đổi nào làm mất đi tính trong suốt tự nhiên của dịch kính đều có thể tạo ra các triệu chứng vẩn đục, gây ảnh hưởng đến khả năng truyền tải tín hiệu quang học đến võng mạc và làm giảm chất lượng thị giác.

Quá trình dịch kính co lại và tách ra khỏi võng mạc được gọi là bong dịch kính sau (PVD) và thường không đe dọa thị lực. Tuy nhiên, sự xuất hiện của vẩn đục dịch kính do thoái hóa là một dấu hiệu cho thấy cấu trúc bên trong mắt đang thay đổi, và đôi khi, những thay đổi này có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng hơn.

Xem thêm: Đo Thị Trường Trong Nhãn Khoa Là Gì? Khi Nào Cần Đo Thị Trường Hai Mắt? Đo Ở Đâu?

Các bệnh lý và tình trạng liên quan

Ngoài lão hóa, một số bệnh lý và tình trạng khác cũng có thể gây ra vẩn đục dịch kính, và dưới đây là những dấu hiệu cảnh báo cần được thăm khám y tế ngay lập tức:

Sự gia tăng đột ngột về số lượng hoặc kích thước của vẩn đục: Nếu các đốm đen, sợi, mạng nhện xuất hiện nhiều hơn hẳn hoặc lớn hơn bình thường một cách bất ngờ, đây có thể là dấu hiệu của bong dịch kính sau cấp tính, rách võng mạc hoặc xuất huyết dịch kính.

Nhìn thấy chớp sáng (photopsias) trong mắt: Các vệt sáng nhấp nháy, tia chớp, hoặc ánh sáng lóe lên ở rìa tầm nhìn, đặc biệt là ở cùng một mắt với vẩn đục, có thể là dấu hiệu của việc dịch kính đang kéo căng võng mạc, tiềm ẩn nguy cơ rách võng mạc.

Mất thị lực đột ngột, lan tỏa hoặc khu trú (khuyết thị trường), hoặc cảm giác như có một “màn xám” hay “màn che” che khuất một phần tầm nhìn: Đây là những dấu hiệu điển hình của bong võng mạc, một tình trạng khẩn cấp cần điều trị ngay để tránh mất thị lực vĩnh viễn.

Đau mắt hoặc đỏ mắt kèm theo vẩn đục/chớp sáng: Có thể liên quan đến viêm nhiễm nội nhãn (viêm màng bồ đào), chấn thương, hoặc các vấn đề nghiêm trọng khác.

Mất ánh hồng đồng tử: Khi nhìn vào đồng tử mắt, không thấy ánh phản chiếu màu đỏ cam bình thường. Điều này gợi ý đục dịch kính nghiêm trọng (xuất huyết, viêm) hoặc đục thủy tinh thể nặng.

Tiền sử phẫu thuật mắt hoặc chấn thương mắt gần đây: Những yếu tố này làm tăng nguy cơ biến chứng nghiêm trọng nếu xuất hiện vẩn đục hoặc chớp sáng mới.

Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu của rách võng mạc, bong võng mạc, xuất huyết dịch kính (do tiểu đường, chấn thương, tăng huyết áp) hoặc viêm màng bồ đào đều là những tình trạng khẩn cấp đe dọa thị lực và cần được điều trị kịp thời để tránh mù lòa.

Bị vẩn đục dịch kính có tự hết không?

Đa số, vẩn đục dịch kính xuất phát ở người lớn tuổi do sự lão hóa cho nên câu trả lời là vẩn đục dịch kính KHÔNG TỰ KHỎI hoàn toàn! Các vật thể vẩn đục, tức là các thể lắng đọng hoặc sợi collagen đã hình thành trong dịch kính, vẫn tồn tại vĩnh viễn trong mắt và không biến mất về mặt vật lý.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, não bộ con người có khả năng thích nghi và học cách bỏ qua sự hiện diện của chúng, khiến người bệnh ít nhận thấy hoặc không còn chú ý đến chúng theo thời gian. Đây là một cơ chế thích nghi tự nhiên của hệ thần kinh, giúp giảm bớt sự khó chịu do vẩn đục gây ra. Quá trình này có thể mất vài tuần, vài tháng, hoặc thậm chí lâu hơn, tùy thuộc vào từng cá nhân và mức độ vẩn đục.

Ngoài sự thích nghi của não bộ, các vẩn đục thường có xu hướng chìm xuống đáy mắt do trọng lực và di chuyển ra khỏi trục thị giác chính, đặc biệt khi mắt ổn định hoặc khi người bệnh nằm xuống. Điều này làm giảm sự cản trở tầm nhìn trực tiếp và khiến chúng ít gây khó chịu hơn trong sinh hoạt hàng ngày.

Đối với các trường hợp vẩn đục nhẹ, số lượng và kích thước ổn định, người bệnh có thể dần quen với chúng và chúng trở nên ít gây khó chịu hơn. Mặc dù chúng không biến mất hoàn toàn, nhưng sự kết hợp giữa việc lắng đọng vật lý và khả năng thích nghi của não bộ giúp phần lớn người bệnh có thể sống chung một cách thoải mái với tình trạng này.

Bệnh viện mắt Việt

Ths Bác sĩ Nguyễn Trần Kiên An

BỆNH VIỆN MẮT VIỆT

Với hơn 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực khám và điều trị trong lĩnh vực nhãn khoa, cùng đội ngũ cộng sự chuyên môn cao.

Giờ làm việc: Thứ 2-Thứ 6:7h30 - 12h;13h-16h30 - Thứ 7: 7h30-12h00 

Địa chỉ

Địa chỉ: Số 94 Mạc Đĩnh Chi, Phường Tân Định, TP.HCM

Hotline/Zalo: 0902 994 368

Địa chỉ: Số 249 Cộng Hòa, Phường Tân Bình, TP.HCM

Tel: 028 3810 3579

Hotline/Zalo: 0902 249 368

Email: info@benhvienmatviet.com

Liên hệ

Bệnh viện mắt Việt 249 Cộng Hoà

Chỉ đường

Bệnh viện mắt Việt 94 Mạc Đĩnh Chi

Chỉ đường

Copyright © CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ Y TẾ PHONG PHÚ.
MST: 0318308195-001. Bệnh viện mắt Việt 1 - Giấy phép hoạt động số 394/BYT - GPHD - Cấp ngày 11/2/2025. Tất cả những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, bệnh nhân phải đến trực tiếp bệnh viện khám để bác sĩ chẩn đoán và điều trị.

Chào Bạn! Bệnh viện mắt Việt đã sẵn sàng hỗ trợ và tư vấn miễn phí