Bầm mi mắt – Xuất huyết mi mắt (kết mạc) Phần 1

Tư vấn chuyên môn bài viết

Bác sĩ CKII 

Đặng Đức Khánh Tiên

Bệnh Viện Mắt Việt

Xuất huyết mi mắt (bầm mi) hoặc xuất huyết kết mạc (đỏ tròng trắng) tuy không phải là một tình trạng gây nguy hiểm tức thì nhưng có thể bị tái phát nếu có những điều kiện thuận lợi. Do vậy, bạn phải luôn thận trọng để bảo vệ đôi mắt cũng như sức khỏe của mình.

Tuy nhiên, để hiểu rõ hơn về vấn đề Xuất huyết mi mắt (bầm mi) hoặc xuất huyết kết mạc. Mời bạn cùng tìm hiểu bài viết dưới của Bệnh viện mắt Việt nhé!

Tư vấn chuyên môn bài viết Bs CKII Đặng Đức Khánh Tiên Bệnh Viện Mắt Việt

Xuất huyết mi mắt trắng (Bầm mi)

Nguyên nhân xuất huyết mi mắt

  • Chấn thương (chấn thương mắt, chấn thương đầu mặt).
  • Sau phẫu thuật vùng mặt (phẫu thuật thẩm mỹ, phẫu thuật xoang mũi, phẫu thuật hàm mặt).
  • Tiêm tê hậu nhãn cầu.
  • Do sử dụng thuốc kháng đông, thiếu hụt vitamin, hay bệnh lý về máu…

Triệu chứng bầm mi

Tùy mức độ xuất huyết mi mắt sẽ xuất hiện các dấu hiệu:

  • Sưng mi, da mi bầm tím.
  • Mi mắt có thể tự mở được hoặc khó mở hoặc không mở được.
  • Đau căng tức ở mắt.
  • Liếc mắt khó khăn, giảm thị lực…

Một số biện pháp giúp giảm bầm mi tại nhà

  • Nếu bạn chỉ bầm mi đơn thuần, chườm lạnh và xoa nhẹ nhàng (massage) da vùng mi mắt sẽ giúp mi mắt mau giảm bầm.
  • Massage mi mắt, chườm lạnh sẽ làm co nhẹ mạch máu vùng mi mắt, tế bào hồng cầu thoát mạch phân tán ra xung quanh giúp thúc đẩy quá trình tan máu và tiêu máu nhanh hơn.
  • Thường sau 1 – 2 ngày: quá trình tan máu, tế bào hồng cầu thoát mạch vỡ ra, vùng da mi chuyển màu xanh tím.
  • Sau 2 – 10 ngày: quá trình tiêu máu, cơ thể bắt đầu “dọn dẹp’ các thành phần tế bào máu tan ra, mi mắt bầm sẽ chuyển sang màu vàng.
  • Sau 10 – 12 ngày: vết bầm dường như mờ hẳn.
Một số biện pháp giúp giảm bầm mi tại nhà
Một số biện pháp giúp giảm bầm mi tại nhà

Khi bầm mi mắt, bạn có nên đến gặp bác sĩ hay không?

Bạn nên đến bệnh viện gặp bác sĩ khám ngay:

  • Ngay sau khi một chấn thương vùng đầu mặt hoặc trực tiếp vào mắt, bác sĩ sẽ giúp bạn kiểm tra tổng quát xem ngoài bầm mi bạn có tổn thương vùng khác kèm theo hay không (như vỡ xương hốc mắt, đầu mặt, tổn thương trong nhãn cầu…)
  • Hoặc sau 2 tuần bầm mắt không có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Dấu hiệu bầm mi do xuất huyết hốc mắt – hốc mắt có dấu hiệu chèn ép: mắt sưng to không mở được mắt, phù đỏ tròng trắng, đau nhức mắt, không liếc mắt được (khó đảo mắt), giảm thị lực…
  • Nhức đầu, dịch chảy liên tục từ mũi (vỡ sàn sọ).

Nếu chỉ đơn thuần là xuất huyết mi mắt, bạn yên tâm sau 1 – 2 tuần máu sẽ tan hoàn toàn, bầm mi mắt trở nên bình thư.

Xem thêm: Trẻ bị nháy mắt khám ở đâu?

Xuất huyết kết mạc

Xuất huyết kết mạc là tình trạng mạch máu nhỏ ở kết mạc nhãn cầu (tròng trắng) bị vỡ gây xuất huyết, làm tròng trắng mắt bạn xuất hiện đốm đỏ , vệt hoặc mảng xuất huyết.

Nguyên nhân xuất huyết kết mạc

Mạch máu tự nhiên bị vỡ.

Sau chấn thương vùng mặt, hốc mắt.

Sau phẫu thuật mắt (phẫu thuật Lasik, mộng thịt, lác…)

Do hoạt động mạnh gắng sức gây tăng áp lực lên các mạch máu kết mạc như ho nhiều, nôn ói nhiều, rặn, bơi lặn sâu, tập tạ, bệnh THA…

Do sử dụng thuốc kháng đông, thiếu hụt vitamin, hay bệnh lý về máu…

Xuất huyết kết mạc có gây đau không? có nguy hiểm cho mắt?

Xuất huyết kết mạc không có triệu chứng báo trước, người bệnh tự phát hiện khi soi gương. Tự nhiên thấy xuất hiện chấm đỏ, vệt đỏ hoặc mảng xuất huyết ở tròng trắng.

Mắt có thể có cảm giác cộm nhẹ, đau nhói trước khi xuất huyết.

Xuất huyết mắt là tình trạng lành tính có thể tự khỏi mà không cần phải điều trị.

Tuy nhiên, mắt bị xuất huyết có liên quan đến các bệnh lý khác (như bệnh THA, bệnh lý huyết học có kèm xuất huyết ở nhiều vị trí khác như nướu răng,bầm dưới da..) hoặc sau chấn thương thì việc khám và điều trị là thực sự cần thiết.

Xem thêm: Dị vật vào mắt là gì? Cách sơ cứu loại bỏ dị vật khỏi mắt

Xử trí gì khi mắt bị xuất huyết kết mạc?

Không dụi tay vào vùng mắt, vì có thể làm tình trạng xuất huyết bị nặng hơn. Có thể xử lý tạm thời bằng việc chườm lạnh và uống nhiều nước.

Nhỏ mắt bằng nước mắt nhân tạo giúp mắt cảm thấy dễ chịu hơn (không có tác dụng làm tan máu).

Nếu có tiền sử tăng huyết áp, nên đo lại huyết áp.

Nếu bạn đang sử dụng các thuốc chống đông nên báo với bác sĩ chuyên khoa đang trực tiếp điều trị để điều chỉnh, thay đổi liều lượng cho phù hợp hoặc có thể cân nhắc việc chuyển thuốc điều trị khác nếu cần.

Nếu bạn có kèm xuất huyết tự nhiên nhiều nơi trên cơ thể, nên gọi bác sĩ chuyên khoa mắt và tư vấn.

Báo ngay với bác sĩ nếu bạn bị xuất huyết mắt và có kèm theo các dấu hiệu:

  • Đau nhức vùng mắt.
  • Mắt xuất huyết nhìn mờ, khó nhìn hoặc có dấu hiệu nhìn đôi.
  • Chấn thương vùng mắt và đầu mặt.
  • Xuất huyết nhiều điểm, cả 2 mắt và kèm theo xuất huyết các vị trí khác như chảy máu mũi, chảy máu chân răng, nôn ra máu…
  • Vết xuất huyết không có xu hướng thuyên giảm theo thời gian, thậm chí có xu hướng lan rộng hơn ban đầu.
  • Xuất huyết mắt kèm tăng huyết áp.

Bệnh viện mắt Việt

Bs CKII Đặng Đức Khánh Tiên

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *