U VÀNG TRÊN MI MẮT

TỔNG QUAN VỀ U VÀNG Ở MẮT

U vàng trên mi mắt – tên gọi khác của ban vàng mi mắt (tên tiếng anh: Xanthelasma palpebrum) là một tổn thương lành tính, có màu vàng hoặc thâm nhiễm màu vàng,  mềm hoặc chắc, u thường phẳng hoặc không nổi cao lên bề mặt da, không gây đau và ít khi ảnh hưởng đến thị lực của bệnh nhân.

Thương tổn được hình thành bởi các mô bào, các đại thực bào mà trong nguyên sinh chất của chúng có chứa lipit, thường là tình trạng lắng đọng Cholesterol dưới da. Kích thước u thường nhỏ, ít thay đổi hoặc phát triển rất chậm, đôi khi các u nhỏ ở gần nhau tạo thành khối u lớn hơn.

Tuy không ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị giác, nhưng gây ảnh hưởng nhiều về mặt thẩm mỹ, khiến người bị khó chịu và cảm giác cộm ở mắt, đôi khi làm sụp mí mắt khiến bệnh nhân mất tự tin. Đặc biệt, tình trạng này có thể là cảnh báo của các bệnh lý khác trong cơ thể như rối loạn mỡ máu và là yếu tố tiên lượng nguy cơ thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch.

Ban vàng mí mắt thường thấy ở những người tuổi trung niên, một số trường hợp tổn thương lan tỏa thấy nhiều ở độ tuổi trước 25, chiếm 2/3 số trường hợp.

Mí mắt có u vàng cũng mang tính chất di truyền, thường gặp phụ nữ 15 – 73 tuổi, nhiều nhất ở tuổi trung niên; người bệnh rối loạn mỡ máu type II và IV.

NGUYÊN NHÂN GÂY XUẤT HIỆN U VÀNG Ở MẮT

Cho đến này nguyên nhân chính gây nên hiện tượng này vẫn còn là một tranh cãi. Theo các nhà khoa học chất mỡ không tan trong nước, vì vậy trong máu chúng sẽ được vận chuyển dưới dạng là lipoprotein. Các loại lipoprotein gồm: chylomicrons, lipoprotein trọng lượng rất thấp (VLDL), lipoprotein có trọng lượng thấp (LDL), lipoprotein có trọng lượng cao (HDL). Tất cả các lipoprotein có vai trò gây nên các bệnh rối loạn chuyển hóa lipit trong đó có bệnh u vàng.

Các bệnh nhân có tiền sử bị xơ gan, xơ mật hoặc đái tháo đường hoặc hội chứng thận hư, nghiện rươu, hút thuốc, có chế độ ăn kiêng thiếu dinh dưỡng và lối sống ít vận động… cũng có khả năng cao mắc phải u mỡ vàng ở mắt.

Một số trường hợp xuất hiện ban vàng ở mí mắt nhưng hàm lượng mỡ trong máu vẫn bình thường. Người ta cho rằng có thể là do sự rối loạn chuyển hóa tại chỗ. Các phản ứng viêm và tăng tính thấm thành mạch được coi là nguyên nhân có thể gây ra tình trạng này.

Một số loại thuốc có thể gây rối loạn mỡ máu như glucocoticoid, estrogens, steroids đồng hóa, một số thuốc huyết áp, retinoid, cyclosporin, cimetidine, một vài thuốc chống động kinh, tamoxifen.

Yếu tố di truyền: Các khiếm khuyết di truyền hay các yếu tố có tính chất gia đình như rối loạn lipoprotein máu, tăng triglycerid máu hay thiếu lipoprotein lipase dẫn đến lipid tăng cao bất thường và gây nên tình trạng rối loạn mỡ máu tiên phát.

CHẨN ĐOÁN U VÀNG MI MẮT

  • Việc chẩn đoán u vàng không khó, thường được chẩn đoán đơn giản bằng trực quan và màu sắc, vị trí đặc trưng của nó, bản đầu có thể là một vết sưng nhỏ, sau đó tiến triển trong vài tháng. Tổn thương mềm, mịn, màu vàng, bằng phẳng, có thể có hình mảng sẩn đa giác. Vị trí thường xảy ra nhất ở mí mắt trên gần khóe mắt trong, đối xứng. Các ban vàng mí mắt khổng lồ  có thể thấy ở tất cả bốn mí mắt.
  • Xét nghiệm máu và nước tiểu, chụp XQuang để xác định nguyên nhân của nồng độ liporotein (tương ứng với nguy cơ các bệnh lý tim mạch, dột quỵ..)
  • Mô bệnh học: tế bào bọt là các đại thực bào có chứa lipid. Đây là những tế bào đặc trưng, ngoài ra còn có các tế bào lympho, mônô, bạch cầu trung tính, và  lipid tự do trong lớp hạ bì. Ban vàng ở mí mắt có một số đặc điểm khác với các u vàng ở vị trí khác là ngoài đại thực bào gắn lipid còn có cơ vân, nang tóc hoặc một lớp thượng bì mỏng.

ĐIỀU TRỊ U VÀNG MI MẮT

  • Tại chỗ: loại bỏ tổn thương, cải thiện vấn đề thẩm mỹ.
  • Toàn thân: Tùy thuộc mức độ rối loạn lipid máu mà bác sĩ sẽ chỉ định việc dùng thuốc điều chỉnh lipid máu thích hợp. Việc tuân chỉ điều trị giúp ngăn ngừa nguy cơ tim mạch, giảm tái phát và hạn chế các biến chứng do tăng lipit máu gây nên  (giảm nguy cơ bệnh tim mạch, và điều trị tăng triglyceride sẽ ngăn ngừa viêm tụy)

  • Phẫu thuật cắt bỏ thẩm mỹ: 

Kỹ thuật này đã có từ lâu và đến nay vẫn còn sử dụng, phương pháp cho kết quả điều trị cao nhất về loại bỏ tổn thương ban vàng, đồng thời đạt kết quả cao về thẩm mỹ. Thời gian thực hiện nhanh từ 15-30 phút, phương pháp gây tê tại chỗ để giảm đau. Sau 1 tuần có thể cắt chỉ và trở lại sinh hoạt bình thường.

Phương pháp này sử dụng dao mổ và các mũi khâu. Phương pháp này rất hiệu quả tuy nhiên cần phải gây tê và sẹo sẽ trông giống những nếp nhăn quanh mắt, cũng có trường hợp gặp các nguy cơ sau mổ như bị nhiễm trùng.

  • Phương pháp điều trị u vàng bằng cách bóc bỏ chuyên biệt:

Cách này khi thực hiện ở nơi điều trị tiến hành như sau: Dùng miếng giấy có tẩm hóa chất chuyên trị đặc biệt áp vào da. Vùng u được vẽ giới hạn cẩn thận để tránh tiếp xúc với mắt. Sau khi có hóa chất, vùng da được áp sẽ chuyển sang màu trắng trong khoảng 30 phút. Sau đó chuyển sang hơi đỏ và bắt đầu tróc vảy. Khi áp dung dịch vào vùng cần điều trị, bệnh nhân cần giữ yên cho đến khi mảnh giấy khô đi, khi đó sẽ không gây nguy hiểm cho mắt.

Sau khi điều trị, không được chạm vào vùng u vàng, và không cố bóc nó đi. Một tuần sau đó, vảy sẽ tự tróc. Phần vảy tróc ra có chứa một phần da cũng như toàn bộ hoặc một phần của u vàng.

Hãy để nó tự tróc, thông thường thời gian sẽ kéo dài khoảng 1 tuần.

  • Điều trị u vàng vùng mắt bằng tia laser:

Phương pháp này với nhiều ưu điểm vượt trội như tính chính xác cao không để lại sẹo và ít nguy cơ bị nhiễm trùng, nó cũng ít gây chảy máu trong và sau phẫu thuật sẽ được gây tê tại chỗ và bảo vệ mắt suốt quá trình phẫu thuật.

Các bác sĩ chuyên khoa hiện nay cũng được đào tạo khá kỹ lưỡng trong việc sử dụng laser để loại bỏ u vàng. Máy laser sẽ được thiết lập sao cho chỉ loại bỏ phần ngoài cùng của da mà không đi sâu vào lớp bên trong da. Trong lúc phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được gây tê tại chỗ. Quá trình phẫu thuật diễn ra chậm rãi cho đến khi khối u được loại bỏ hoàn toàn. Vì tia laser không đi qua sâu vào trong da nên sẽ không để lại nhiều tổn thương, không để lại sẹo sau này. Trong thời gian phẫu thuật, bệnh nhân cũng được đeo kính để tránh tổn thương đến mắt.

Ngoài ra có thể đốt điện cao tần (plasma), laser CO2 đốt tổn thương, chấm tricloroacetic acid (TCA) tuy nhiên chỉ thực hiện khi không có điều kiện phẫu thuật.

Bệnh có thể tái phát khoảng 15-30%, đặc biệt ở những thể đối xứng cả hai bên và trên dưới mí.

  • Liệu pháp đóng băng mảng bám cholesterol:

Một phương pháp khác để điều trị u vàng quanh mắt là liệu pháp áp lạnh. Cơ chế của liệu pháp này là đóng băng mảng bám cholesterol. Bệnh nhân sử dụng phương pháp đóng băng mảng bám cholesterol có thể bị giảm sắc tố da tại chỗ.

PHÒNG NGỪA U VÀNG MI MẮT

Theo các bác sỹ khuyến cáo: Để ngăn ngừa xuất hiện và giảm tốc độ phát triển của u vàng trên mi mắt, chúng ta cần duy trì lối sống và chế độ ăn uống khoa học, bao gồm:

Điều chỉnh chế độ sinh hoạt, ăn uống điều độ

  • Chế độ ăn nhiều rau xanh, ngũ cốc và cá. Tăng cường các thực phẩm giàu chất xơ hòa tan như ngũ cốc nguyên hạt (gạo lứt, yến mạch, các loại đậu,…); các loại trái cây (cam, quýt, bưởi,…).
  • Giảm chất béo bão hòa (có trong thịt, bơ, các sản phẩm từ sữa khác, dầu dừa, dầu cọ).
  • Giảm lượng đường trong đồ uống có ga, kẹo, bánh quy và bánh ngọt.
  • Nếu béo phì, thừa cân, giảm cân bằng cách giảm lượng calo và tăng tập thể dục.
  • Ngoài ra, có một số thực phẩm đã được chứng minh là có khả năng ngăn ngừa ban vàng tương đối hiệu quả bạn cũng nên sử dụng là quế, trà, hạt cỏ ca ri, hành tím, tỏi, dầu thầu dầu,…
  • Cần hết sức thận trọng khi áp dụng các phương pháp dân gian vì nếu thực hiện không đảm bảo vệ sinh hoặc quá lạm dụng có thể ảnh hưởng đến mắt hay các vùng da xung quanh.

Tăng cường ăn cam để giảm cholesterol

Lối sống lành mạnh

Vận động, tập thể dục thường xuyên: Các hoạt động thể chất đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều chỉnh rối loạn lipid máu. Tùy thuộc thể lực mà bệnh nhân có thể thực hiện các bài tập như: đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội,…

Hạn chế bia rượu, thức uống có cồn, không hút thuốc lá: sử dụng quá nhiều thức uống có cồn có thể làm tăng nồng độ cholesterol và triglycerid, do đó cần hạn chế bia rượu để đạt được hiệu quả trong điều trị rối loạn mỡ máu. Bệnh nhân rối loạn lipid cũng cần bỏ thuốc lá vì thuốc lá làm tăng LDL-Cholesterol.

Thực hiện việc khám mắt định kì 6 tháng/lần và kiểm tra sức khỏe định kỳ 1 năm/ lần.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *