(P2) TRẺ EM HAY MẮC BỆNH LÝ NÀO Ở MẮT

DỊ ỨNG MẮT

Khi bị mắc viêm kết mạc dị ứng, trẻ thường có các biểu hiện điển hình dưới đây:

  • Ngứa mắt dữ dội hoặc bỏng mắt.
  • Mí mắt sưng húp, thể hiện rõ nhất vào buổi sáng.
  • Đỏ mắt.
  • Chảy nước mắt hoặc tiết dịch mắt.
  • Mắt trở nên nhạy cảm với ánh sáng.
  • Trẻ có cảm giác rát ở mắt.
  • Giãn các mạch máu trong kết mạc mắt.

Trẻ nhỏ chưa ý thức được mức độ nguy hiểm nếu dùng dụi mắt liên tục, mà chỉ theo phản xạ tự nhiên. Do vậy, bố mẹ cũng nên lưu ý và chú ý hơn đến trẻ khi thấy dấu hiệu dị ứng mắt.

Các biện pháp điều trị tại nhà có vai trò vô cùng quan trọng, giúp trẻ giảm bớt các triệu chứng khó chịu do viêm kết mạc dị ứng gây ra. Phụ huynh có thể áp dụng thử một số cách sau cho trẻ, bao gồm:

  • Tránh để trẻ ra ngoài trời vào giữa buổi sáng và đầu buổi tối, bởi đây là thời điểm mật độ phấn hoa tăng cao nhất.
  • Sử dụng máy lọc không khí nhằm làm sạch hơn môi trường quanh trẻ.
  • Khi trẻ ở ngoài trời, hãy cho bé đeo kính râm hoặc sử dụng các thiết bị bảo vệ mắt khác nhằm hạn chế nguy cơ tiếp xúc mắt với phấn hoa, bụi.
  • Thường xuyên vệ sinh chăn, tấm trải giường bằng nước nóng, nhất là gối nhằm hạn chế mạt bụi.
  • Sử dụng khăn hoặc giẻ ẩm để lau sàn và lau bụi.
  • Không cho thú cưng vào phòng ngủ của trẻ khi bé đang bị viêm kết mạc dị ứng.
  • Rửa sạch tay sau khi tiếp xúc hoặc vuốt ve động vật.
  • Dọn dẹp sạch sẽ những khu vực ẩm ướt trong nhà, chẳng hạn như tầng hầm, nhà bếp và phòng tắm để loại bỏ nấm mốc.
  • Khuyên trẻ không nên dụi mắt ngay cả khi ngứa mắt.
  • Khi trẻ tiếp xúc với chất gây dị ứng, bạn cần nhanh chóng dùng khăn ướt hoặc nước để rửa sạch chúng ra khỏi mắt trẻ. Sau đó, chườm mát lên vùng mắt đang sưng ngứa.

Ngoài việc thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà, bạn cũng có thể tham khảo một số loại thuốc theo lời khuyên của bác sĩ để điều trị viêm kết mạc dị ứng cho trẻ. Vui lòng đến thăm khám tại các cơ sở y tế, bệnh viện chuyên khoa mắt, không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định từ bác sĩ nhãn khoa.

LẸO MẮT

Leo Mat 01

Lẹo mắt hay chắp mắt ở trẻ sơ sinh là một loại mụn nhỏ mọc ở bờ mi mắt hay dưới chân lông mi do một loại tuyến nhỏ ở bờ mi bị nhiễm trùng. Lẹo mắt thường xuất hiện, rồi biến mất sau khi điều trị nhưng rất dễ tái phát lại nếu không được điều trị dứt điểm dưới sự hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

ĐAU MẮT ĐỎ

Đau mắt đỏ là tình trạng thường gặp ở mọi lứa tuổi vào các thời điểm trong năm. Bệnh này có tỷ lệ biến chứng ở mức 20% chủ yếu do viêm giác mạc. Nguyên nhân bởi vi khuẩn và các virus gây ra. Bệnh đau mắt đỏ có triệu chứng sưng, mắt tấy đỏ, xuất huyết xảy ra dưới kết mạc,…

Đau mắt đỏ rất dễ lây lan qua môi trường, sự tiếp xúc gần, tia bọt bắn ra lúc nói chuyện… Vệ sinh cẩn thận là cách tốt nhất để kiểm soát lây lan.

 

TẮC TUYẾN LỆ

Là khuyết tật thường gặp nhất của lệ bộ của trẻ sơ sinh. Ở một số trė sơ sinh, do các lỗ mở vào ống dẫn lệ (lệ đạo) chưa hình thành đúng cách gây ra tắc nghẽn và nước mắt không thể thoát xuống ngách műi dưới theo đường tự nhiên. Có tới 6% trẻ sơ sinh tắc lệ đạo bẩm sinh, có nghĩa là nó xuất hiện ngay từ khi mới sinh. Lệ đạo có thế bi tắc ở một hoặc cả hai mắt. Tuy vậy, gần như tất cả các ống dẫn lệ bị tắc đều tự mở ra, muộn nhất là khi trẻ được 1 tuổi nên thường không ảnh hưởng đến thị lực của em bé hoặc bất kỳ di chứng lâu dài nào về mắt. 

Triệu chứng của tắc lệ đạo ở trẻ khá rõ rệt: chảy nước mắt, mắt có ghèn nhưng không đỏ (khi chưa viêm nhiễm do bội nhiễm), nước mắt có dịch mờ đục, vàng trong.

GLÔCÔM BẨM SINH

– Glôcôm bẩm sinh là hình thái glocom thường gặp nhất trong các nhóm bệnh glôcôm ở trẻ em. Bệnh xảy ra do sự phát triển bất thường của hệ thống thoát lưu thuỷ dịch bên trong mắt. Đó có thể là những bất thường về cấu trúc của góc tiền phòng (thể nguyên phát) hoặc kèm theo những bất thường ở các phần khác của mắt (thể thứ phát). Việc phát hiện và điều trị sớm bệnh glocom bẩm sinh có thể ngăn ngừa mù loà cho trẻ.

– Trường hợp điển hình biểu hiện với giác mạc to, phù giác mạc. Bé thường sợ ánh sáng dữ dội (không dung nạp ánh sáng), co quắp mi (luôn nhắm mắt khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời) và chảy nước mắt nhiều. Các dấu hiệu khác khi thăm khám như củng mạc mỏng, nhãn áp thường cao và tổn hại thị thần kinh.

– Nếu trẻ có một trong các dấu hiệu nghi ngờ của glocom, hãy đưa bé đến khám và tư vấn với bác sĩ nhãn khoa càng sớm càng tốt.

SỤP MI BẨM SINH

Nguyên nhân gây sụp mi mắt ở trẻ em có thể do bẩm sinh hoặc do mắc phải:

– Sụp mi bẩm sinh: Chiếm khoảng từ 50- 70% các trường hợp sụp mi. Nguyên nhân chủ yếu do bất thường về cơ như: rối loạn, thay đổi kết cấu các sợi cơ nâng mi dẫn đến suy giảm chức năng của cơ nâng mi. Hiếm gặp hơn là sụp mi bẩm sinh do gián đoạn dẫn truyền thần kinh – cơ. Sụp mi bẩm sinh có thể đi kèm các bất thường khác về vận nhãn như: lác, lé; hẹp khe mi bẩm sinh hoặc dị dạng sọ mặt.

– Sụp mi mắc phải: có thể gặp trong chấn thương, liệt dây thần kinh số 3, bệnh lý nhược cơ, hội chứng Horner…

Biểu hiện của sụp mi ở trẻ em:

– Trẻ bị sụp mi bẩm sinh thường xuất hiện một mắt hoặc cả hai mắt nhỏ hơn bình thường ngay từ khi mới sinh. Nếu sụp mi nhẹ, một bên mắt trẻ có thể không có triệu chứng chủ quan hoặc có thể có nheo mắt, nháy mắt khi tập trung quan sát. Nếu sụp mi nặng có thể kèm theo các dấu hiệu như: ngửa cổ, rướn trán khi nhìn, nhìn kém.

– Sụp mi do liệt dây thần kinh số 3 thường đi kèm lác ngoài, hạn chế vận nhãn lên- xuống- vào trong, giãn đồng tử. Sụp mi do nhược cơ có thể thay đổi mức độ sụp mi trong ngày kèm theo các triệu chứng khó thở, khó nuốt…

Trẻ bị sụp mi nếu không được khám và điều trị sớm sẽ dẫn tới các tổn thương mắt gây suy giảm thị lực ở trẻ. Sụp mi nặng gây giảm hoặc mất thị lực, gây lệch vẹo đầu cổ do phải ngửa cổ kéo dài để quan sát.

QUẶM MI MẮT BẨM SINH

– Quặm mi ở trẻ em là một dạng quặm mi bẩm sinh. Đây là hiện tượng bờ mi lộn vào trong, đẩy hàng lông mi cọ xát vào giác mạc, gặp ở trẻ em từ khi mới sinh ra, có thể phát triển ngày càng nặng thêm nếu không được điều trị. Tỷ lệ quặm mi dưới bẩm sinh khoảng 2%. Khi bị quặm do hàng lông mi cọ xát vào giác mạc làm trẻ khó chịu hay dụi mắt gây viêm kết mạc.

– Ở những trẻ nhỏ dưới 1 tuổi,  lông mi chưa đủ cứng để gây tổn hại giác mạc do đó có thể  cho trẻ tra thuốc (dùng dung dịch nước muối sinh lý 0,9% hoặc dung dịch kháng sinh như tobrex) và hướng dẫn cho bố mẹ trẻ cách vuốt bờ mi nhằm mục đích làm cho bờ mi bật ra ngoài,  lông mi không cọ vào giác mạc tránh tổn hại giác mạc.

Phụ huynh nên cho trẻ thăm khám tại bệnh viện nhãn khoa để bác sĩ tư vấn, hướng dẫn thao tác cũng như chỉ định điều trị nếu mắt bé có dấu hiệu đỏ mắt, sốt, chảy ghèn vàng.

Tham khảo phần 1

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào Bạn! Bệnh viện mắt Việt đã sẵn sàng hỗ trợ và tư vấn miễn phí