Điều trị cận thị bằng kính tiếp xúc ORTHO-K có an toàn không? Ortho-K là phương pháp điều trị tật khúc xạ an toàn. Chất liệu kính tiếp xúc cứng Ortho-K có tính thấm khí cao, đảm bảo cung cấp đủ oxy – yếu tố quyết định sức khỏe của giác mạc.
Tuy nhiên, để hiểu hơn về điều trị cận thị bằng kính tiếp xúc ORTHO-K. Mời bạn cùng tìm hiểu bài viết bên dưới của Bệnh Viện Mắt Việt nhé.
Tật khúc xạ là gì?
Mắt có tật khúc xạ là mắt có bất thường về các thành phần quang học (như trục nhãn cầu, giác mạc, thủy tinh thể…). Khi ánh sáng đi vào mắt của người bị tật khúc xạ qua các thành phần quang học, hình ảnh sẽ không hiện đúng trên võng mạc, khi đó mắt ta sẽ bị nhìn nhòe mờ.
Tật khúc xạ bao gồm: cận thị, loạn thị, viễn thị, lão thị.
Các giải pháp an toàn điều trị tật khúc xạ
Các phương pháp điều trị tật khúc xạ hiện nay:
- Đeo kính gọng.
- Kính tiếp xúc mềm (đeo kính vào ban ngày).
- Kính tiếp xúc cứng điều chỉnh hình dạng giác mạc (đeo kính vào ban đêm): phương pháp điều trị khúc xạ không phẫu thuật ORTHO -K.
- Hoặc phẫu thuật Lasik (chỉ thực hiện đối với người trên 18 tuổi, độ khúc xạ ổn định trong 6 tháng).
Ortho-K là gì?
Là phương pháp điều trị tật khúc xạ bằng kính tiếp xúc cứng.
Bệnh nhân đeo kính tiếp xúc vào ban đêm trong lúc ngủ (trung bình từ 6 giờ đến 8 giờ mỗi đêm).
Kính Ortho-K giúp điều chỉnh tạm thời hình dạng giác mạc, làm giảm và khử độ cận thị, nhờ thế ban ngày sẽ giúp hạn chế sự phụ thuộc kính gọng hoặc kính sát tròng mềm.
- Phương pháp này có thể áp dụng cho trẻ em và người lớn (không có chỉ định PT được tật khúc xạ như: giác mạc mỏng, bệnh lý giác mạc…hoặc bệnh nhân chưa muốn PT Lasik).
- Ortho-K là phương pháp điều trị tật khúc xạ tạm thời vì khi ngưng sử dụng độ cận thị sẽ trở lại như trước khi đeo kính điều trị.
Xem thêm: Tìm hiểu Quy Trình thăm khám Ortho-K tại Bệnh viện Mắt Việt
Ortho-K có an toàn hay không?
- Ortho-K là phương pháp điều trị tật khúc xạ an toàn.
- Chất liệu kính tiếp xúc cứng Ortho-K có tính thấm khí cao, đảm bảo cung cấp đủ oxy – yếu tố quyết định sức khỏe của giác mạc.
- Bệnh nhận có thể ngưng điều trị khi không muốn điều trị tiếp tục.
Có gì khác nhau giữa phẫu thuật Lasik và Ortho-K
Phẫu Thuật Lasik
Hiệu quả ngay sau phẫu thuật.
Chỉ thực hiện đối với người trên 18 tuổi.
Độ loạn thị > ½ độ cận thị vẫn có thể phẫu thuật Lasik.
Có phụ thuộc vào chiều dày giác mạc.
Chi phí phẫu thuật khác nhau phụ thuộc vào các phương pháp Phẫu thuật lasik (Femtosecond Lasik, Smile,…).
Ortho-K
Là phương pháp điều trị tật khúc xạ tạm thời, muốn đạt hiệu quả phải đeo kính Ortho-K hằng đêm.
Khi ngưng đeo kính độ khúc xạ vẫn như cũ hay có thể tăng hơn.
Có thể áp dụng cho đối tượng trẻ em và người lớn.
Đối với loạn thị: độ loạn thị không quá ½ độ cận thị.
Không phụ thuộc vào độ dày giác mạc.
Đối tượng nào có thể chỉ định điều trị Ortho-K
- Cận thị từ – 0.75D đến -10.0D.
- Loạn thi: độ loạn không quá ½ độ cận thị.
- Bệnh lý giác mạc chóp.
Bệnh nhân có nhu cầu điều trị Ortho-K
- Giảm bớt sự lệ thuộc kính gọng.
- Không có chỉ định phẫu thuật Lasik: tuổi < 18 tuổi, do giác mạc mỏng, bệnh lý giác mạc.
- Không muốn phẫu thuật Lasik.
- Thay kính áp tròng mềm ban ngày…
Đối tượng nào không thể điều trị Ortho-K
- Viêm nhiễm bán phần trước nhãn cầu.
- Các bệnh lý bán phần trước, bệnh hệ thống ảnh hưởng đến kết giác mạc.
- Khô mắt.
- Mắt dễ kích ứng…
Một số vấn đề có thể gặp sau khi đeo kính tiếp xúc Ortho-K
Hiệu quả
- Tùy thuộc vào độ khúc xạ ban đầu, trung bình từ 1 tuần đến 4 tuần để đạt thị lực tối đa (một số trường hợp cần nhiều hơn 4 tuần mới đạt được kết quả như mong muốn).
- Khúc xạ dao động, thay đổi trong ngày (có nghĩa thị lực trong ngày dao động khi chưa đạt mức tối đa).
- Vì trong các tuần đầu sau khi điều trị, thị lực còn dao động chưa đạt mức tối đa, tạm thời bệnh nhân có thể cần đeo kính gọng điều chỉnh độ khúc xạ để đạt được thị lực đủ rõ cho các hoạt động sinh hoạt thường ngày.
- Một số trường hợp độ khúc xạ thấp, hiệu quả tốt, thị lực có thể đạt mức tối đa trong 2 đến 3 ngày.
Một số triệu chứng có thể gặp khi đeo kính Ortho-K
Kính tiếp xúc cứng cũng có một số nguy cơ nhỏ như kính tiếp xúc mềm, do vậy cần tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc vệ sinh, lịch tái khám theo dõi chặt chẽ của bác sĩ.
Một số triệu chứng có thể gặp khi đeo kính Ortho-K:
- Chảy nước mắt.
- Mắt đỏ, cộm xốn.
- Mắt có ghèn.
- Khô mắt.
- Nhạy cảm ánh sáng, nhìn mờ.
- Các triệu chứng thường tạm thời, có thể giảm hoặc hết hẳn sau khi điều trị thuốc. Nếu triệu chứng dai dẳng hoặc tái phát sau khi dùng kính điều trị có thể phải ngưng đeo kính Ortho-K.
Hướng dẫn sử dụng kính tiếp xúc Ortho-K
- Buổi tối: Lắp kính
- Lắp kính tiếp xúc cứng trước khi đi ngủ khoảng 15 phút.
- Trước khi lắp kính: rửa tay sạch bằng xà phòng và lau khô.
- Nhỏ nước mắt nhân tạo vào hai mắt.
- Rửa lại kính bằng nước muối sinh lý Efticol 0,9%.
- Kiểm tra xem kính và tròng đen có bụi hay không.
- Để kính tiếp xúc trên đầu ngón trỏ của bàn tay phải (tay thuận), nhỏ 1 giọt nước mắt nhân tạo vào lòng kính tiếp xúc.
- Mắt nhìn thẳng vào gương, dùng ngón giữa – tay phải kéo mi dưới xuống, dùng 3 ngón giữa – tay trái giữ mi trên, đặt nhẹ kính tiếp xúc vào giữa tròng đen.
- Thả nhẹ hai mi mắt, chớp mắt và nhắm lại vài giây, nhìn vào gương kiểm tra lại chắc chắn kính đã giữa tròng đen.
- Lắp kính xong, đổ bỏ nước ngâm kính và để khay ngâm kính tự khô.
- Buổi sáng: Tháo kính
- Nhỏ nước mắt nhân tạo vào hai mắt.
- Rửa sạch tay bằng xà phòng.
- Mắt nhìn thẳng vào gương, dùng ngón tay giữa – tay trái giữ mi trên, ngón giữa – tay phải kéo mi dưới, áp đầu que lấy kính vào giữa hoặc 2/3 dưới tròng đen, nhẹ nhàng lấy kính ra.
- Cầm vuốt nhẹ lấy kính khỏi que, đặt kính vào khay ngâm kính, cho nước ngâm kính vào ngập kính, đậy nắp khay ngâm kính và sau đó tiếp tục tháo kính mắt kia.
Chú ý: kính mắt bên phải thì đặt vào khay mắt phải và ngược lại.
Bác sĩ CKII Đặng Đức Khánh Tiên