Có nên đeo kính áp tròng thay kính cận không?

Tư vấn chuyên môn bài viết

Bác sĩ CKII 

Đặng Đức Khánh Tiên

Bệnh Viện Mắt Việt

Việc chọn đeo kính áp tròng hay kính cận phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu sở thích, ngân sách, nghề nghiệp…của từng cá nhân. Kính áp tròng mang lại tầm nhìn tự nhiên, thẩm mỹ và thuận tiện khi vận động, đặc biệt phù hợp cho người năng động hoặc chơi thể thao.

Tư vấn chuyên môn bài viết Bs CKII Đặng Đức Khánh Tiên Bệnh Viện Mắt Việt

Cận thị là gì?

Cận thị (myopia) là tật khúc xạ phổ biến, mắt cận thị khó nhìn thấy vật ở xa nhưng lại nhìn rõ vật ở gần. Cận thị xảy ra khi giác mạc quá cong hoặc trục nhãn cầu quá dài, hoặc cả hai, khiến ánh sáng hội tụ ở phía trước võng mạc thay vì trên võng mạc như bình thường.

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ cận thị của bạn bao gồm:

Di truyền: Nếu một trong hai cha hoặc mẹ bị cận thị, nguy cơ con họ bị cận thị sẽ tăng lên. Nguy cơ cao hơn nếu cả hai cha mẹ đều bị cận thị.

Thói quen nhìn: làm việc, học tập ở khoảng cách gần liên tục.

Thiếu hoạt động ngoài trời có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cận thị.

Hình minh họa: Các nguyên nhân có thể gây cận thị.

Triệu chứng cận thị

Bắt đầu thấy mờ khi nhìn vào các vật ở xa.

Phải nheo mắt hoặc nhắm một bên mắt để nhìn rõ.

Đôi khi nhức đầu do mỏi mắt. Chớp mắt, dụi mắt liên tục.

Các phương pháp quản lý cận thị

Hiện nay có các phương pháp quản lý cận thị phổ biến như: kính gọng (kính cận), kính sát tròng cận thị đeo ban ngày (kính sát tròng mềm), kính sát tròng cứng đeo ban đêm (phương pháp chỉnh hình giác mạc Orthokeratology – Ortho-K), kính gọng đa tròng …

Hình: Phương pháp quản lý cận thị: Kính gọng (kính cận) và kính sát tròng.

Đeo kính gọng (kính cận) có dễ sinh hoạt hay không?

Kính cận là thấu kính phân kỳ. Kính cận hỗ trợ tầm nhìn cho người bị cận thị hiệu quả và an toàn. Kính cận làm các tia sáng hội tụ được đúng vị trí trên võng mạc, giúp người cận thị nhìn rõ được các vật ở xa.

Hình: Kính cận giúp các tia sáng hội tụ đúng trên võng mạc.

Ưu điểm kính cận

Kính cận giúp bảo vệ mắt cho bạn:

  • Không tiếp xúc trực tiếp với mắt do đó giảm nguy cơ kích ứng mắt hoặc nhiễm trùng.
  • Khi đeo kính giúp tránh khỏi các tác nhân từ môi trường như khói, bụi, gió…
  • Giúp mắt giảm được nhạy cảm do môi trường nhất là trường hợp bị khô mắt.
  • Phù hợp mọi lứa tuổi. Sử dụng kính cận rất đơn giản, chỉ cần chọn kiểu dáng phù hợp với mình, đúng độ khúc xạ – đeo vào đẹp, nhìn rõ là được.
  • Chi phí phù hợp, có thể sử dụng lâu dài và không cần phải thay kính thường xuyên (trừ khi bị hỏng hoặc nâng cấp).

Hình: Kính cận.

Nhược điểm kính cận

Đeo kính gọng có thể gây bất tiện khi tham gia các hoạt động thể thao, trong sinh hoạt (khi ăn thức ăn nóng có bốc hơi), đeo khẩu trang hơi thở có thể mờ kính…

Hình: Kính cận đôi khi gây những bất lợi: bị mờ kính, tròng dày…
Hình: Kính cận đôi khi gây những bất lợi: bị mờ kính, tròng dày…

Kính cận đôi khi gây ảnh hưởng thẩm mỹ, nhất đối với người cận thị nặng tròng kính dày hoặc không đáp ứng yêu cầu một số nghề nghiệp (người mẫu, tiếp tân, tiếp viên hàng không…).

Đeo kính cận trong những ngày mưa, sương mù sẽ ảnh hưởng đến thị lực.

Nếu kính bị va đập gây vỡ tròng kính, mắt có nguy cơ bị mảnh thủy tinh vỡ gây tổn thương trầy rách nhãn cầu.

Kính cận, tròng kính cách giác mạc khoảng 12mm, tầm nhìn có thể bị thu hẹp hoặc méo mó.

Cần phải bảo quản cẩn thận, nếu không kính cận có thể gãy gọng, tròng kính bị trầy ố, hoặc tăng độ…sẽ tốn kém chi phí mua sắm kính mới.

Hình: Nhược điểm kính cận.

Kính áp tròng cận thị có tiện lợi hơn hay không?

Kính áp tròng cận (còn được gọi là lens, kính tiếp xúc) là một thấu kính mỏng, uốn cong và được đặt trực tiếp lên tròng đen của mắt, ôm sát vào giác mạc, không cần gọng đỡ. Kính áp tròng có độ khúc xạ được sử dụng để điều chỉnh các tật khúc xạ của mắt như cận thị, cho mắt cận nhìn rõ hơn.

Kính áp tròng mềm cận thị: chỉ đeo vào ban ngày (khác với kính áp tròng cứng Ortho-K giúp điều trị cận thị tạm thời và chỉ đeo vào ban đêm khi ngủ).

Kính dùng hằng ngày: có hạn sử dụng trong ngày, thích hợp với người chỉ đeo kính khi cần thiết. Kính dùng hàng tháng: làm từ vật liệu silicone hydrogel, giúp tăng tính thấm oxy cho giác mạc.

Hình: Kính áp tròng
Hình: Kính áp tròng

Ưu điểm kính áp tròng cận

Phù hợp với mắt, giúp bạn nhìn các vật thể chính xác và rõ ràng hơn.

Ngoài công dụng chỉnh tật khúc xạ, kính áp tròng còn có tác dụng làm tăng tính thẩm mỹ, tạo cảm giác thoải mái, tự tin trong giao tiếp cho người sử dụng.

Không gây cản trở khi tham gia các hoạt động: thể dục thể thao, khiêu vũ…

Khi sử dụng không sợ gây tổn thương mắt khi xảy ra các sự cố như va đập.

Không gây ra tình trạng chói khi ra nắng hoặc mờ khi trời mưa.

Độ cận tối đa của các loại kính áp tròng là 15 Diop do vậy người cận nặng có thể sử dụng kính áp tròng thay thế kính gọng cận tròng quá dày.

Giúp tầm nhìn rộng hơn: không giống kính cận bị giới hạn bởi gọng kính, kính áp tròng có thể di chuyển theo chuyển động của mắt, giúp người đeo dễ dàng quan sát xung quanh.

Nhược điểm kính áp tròng cận

Thường không phù hợp mọi lứa tuổi, thường chỉ dùng cho người lớn, trẻ con không nên đeo kính áp tròng cận thị đeo ban ngày.

Phải tập làm quen với thao tác đeo kính vào và lấy kính ra.

Có thể gây triệu chứng khô mắt, tổn thương bề mặt giác mạc do kính đeo tiếp xúc trực tiếp với giác mạc, do kính làm giảm lượng oxy đến mắt và nhất là sử dụng lâu dài có thể làm trầm trọng thêm triệu chứng khô mắt.

Có nguy cơ nhiễm trùng giác mạc nếu việc bảo quản, vệ sinh kính không cẩn thận hoặc bạn quên tháo kính khi ngủ hoặc đeo kính không đúng cách làm trầy xước giác mạc…

Một số người bị viêm kết giác mạc do dị ứng với dung dịch ngâm kính.

Khi công việc của bạn phải tiếp xúc với máy tính nhiều, đeo kính áp tròng thường xuyên có thể gây mỏi mắt, mờ mắt…

Kính áp tròng thường chỉ được sử dụng trong 8 giờ mỗi ngày, nếu sử dụng quá nhiều có thể gây cay mắt, đau đỏ mắt…

Tốn kém chi phí do kính có hạn dùng ngắn (3 tháng – 6 tháng – 12 tháng, tùy loại).

Ai không nên đeo kính áp tròng?

Kính áp tròng sẽ không phù hợp với các đối tượng:

  • Khô mắt.
  • Nhiễm trùng mắt tái phát khi đeo kính áp tròng.
  • Bị dị ứng nặng.
  • Thường xuyên làm việc hoặc ở trong môi trường có nhiều khói bụi.
  • Không vệ sinh và bảo quản kính thường xuyên.

Có nên đeo kính áp tròng thay kính cận

Việc chọn đeo kính áp tròng hay kính cận phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu sở thích, ngân sách, nghề nghiệp…của từng cá nhân.

Kính áp tròng mang lại tầm nhìn tự nhiên, thẩm mỹ và thuận tiện khi vận động, đặc biệt phù hợp cho người năng động hoặc chơi thể thao. Khi dùng kính sát tròng các bạn phải tuân thủ:

Hướng dẫn khi sử dụng (đeo đúng cách, vệ sinh kính áp tròng trước và sau khi sử dụng, thời gian đeo ban ngày chỉ tối đa 8 tiếng, không được quên đeo kính khi ngủ…).

Có triệu chứng bất thường tại mắt (như đỏ, cộm xốn, nhìn mờ…): ngưng đeo và đến gặp bác sĩ khám mắt ngay.

Trong khi đó kính gọng lại an toàn, dễ sử dụng và ít tốn kém hơn.

Trước khi lựa chọn đeo kính áp tròng mềm cận thị hay đeo kính gọng cận thị, bạn nên biết rằng mỗi loại đều có ưu nhược điểm.

Đối với góc nhìn của một bác sĩ nhãn khoa, do thường xuyên gặp các trường hợp khô mắt nặng, viêm giác mạc thậm chí loét giác mạc do đeo kính sát tròng ban ngày… lời khuyên của bác sĩ: bạn nên lựa chọn đeo kính cận hoặc điều trị dứt điểm cận thị bằng phẫu thuật.

Bệnh viện mắt Việt

Bs CKII Đặng Đức Khánh Tiên

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào Bạn! Bệnh viện mắt Việt đã sẵn sàng hỗ trợ và tư vấn miễn phí