BỆNH XUẤT HUYẾT VÕNG MẠC LÀ GÌ?
Xuất huyết võng mạc là biến chứng của một bệnh lý mạch máu võng mạc, nó xảy ra khi máu không nằm trong mạch máu mà thoát ra ngoài võng mạc, ảnh hưởng tới thị lực của mắt và có thể gây nhìn mờ đột ngột, đau và đỏ mắt. Tình trạng nhìn mờ nhiều hay ít là tùy theo số lượng và vị trí xuất huyết của bệnh nhân.
Xuất huyết võng mạc cũng có thể là triệu chứng của một số bệnh lý như đái tháo đường, tắc tĩnh mạch võng mạc, tăng huyết áp… Đây là biểu hiện không tốt và gây ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng thị giác của mắt.
Nguyên nhân bệnh xuất huyết võng mạc
Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến xuất huyết võng mạc, nhưng hầu hết đều là những bệnh lý hoặc tổn thương có liên quan trực tiếp đến mạch máu.
Những xuất huyết này thường xảy ra khi huyết áp của bạn tăng đột biến vì:
- Hắt hơi mạnh
- Căng thẳng
- Ho dữ dội
- Nôn mửa
Một số đốm đỏ do chấn thương hoặc bệnh tật, chẳng hạn như:
- Dụi mắt mạnh
- Chấn thương
Nguyên nhân ít phổ biến hơn bao gồm:
- Bệnh tiểu đường
- Huyết áp cao
- Các loại thuốc khiến bạn dễ chảy máu, chẳng hạn như aspirin hoặc thuốc làm loãng máu như warfarin (Coumadin)
- Rối loạn đông máu
Khi bị xuất huyết võng mạc, cần xác định được chính xác nguyên nhân để đưa ra hướng điều trị phục hồi nhanh chóng, hiệu quả. Bởi võng mạc là tổ chức thần kinh rất phức tạp nên nếu không được điều trị tốt, bệnh có thể tái phát nhiều lần, làm giảm thị lực và xuất hiện điểm mù.
DẤU HIỆU NHẬN BIẾT XUẤT HUYẾT VÕNG MẠC
Các dấu hiệu để nhận biết bệnh nhân bị xuất huyết võng mạc bao gồm:
- Xuất hiện tình trạng mắt nhìn mờ, đỏ, đau nhức mắt.
- Cảm thấy như ruồi bay, mạng nhện trước mắt. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể thấy trong mắt có màu đỏ hoặc đôi khi thấy bóng đen, sương mù trước mặt…
- Tầm nhìn bị bóp méo.
- Ngoài ra một số bệnh nhân còn cảm giác đau đầu.
- Nghiêm trọng nhất là đột ngột mất hoàn toàn thị lực.
NHỮNG ĐỐI TƯỢNG NÀO CÓ NGUY CƠ CAO MẮC PHẢI?
Xuất huyết võng mạc là biến chứng của bệnh lý mạch máu võng mạc, do đó đối tượng có nguy cơ cao mắc phải xuất huyết võng mạc bao gồm:
- Bệnh nhân bị cận thị nặng: Tật cận thị xảy ra phổ biến ở lứa tuổi học sinh sinh viên và giới văn phòng, khi tình trạng cận thị nặng dần lên thì có thể dẫn đến xuất huyết võng mạc.
- Bệnh nhân bị bệnh tiểu đường: Ở đối tượng này, võng mạc dễ bị tổn thương do hiện tượng tắc nghẽn vi mạch máu và rò rỉ mạch máu, làm giảm khả năng vận chuyển oxy trong hồng cầu, dẫn đến thiếu máu ở võng mạc.
- Bệnh nhân tăng huyết áp: Bệnh nhân bị huyết áp cao dễ bị tổn thương các mạch máu nhỏ trong võng mạc, từ đó gây chảy máu trong mắt, phù gai thị và ảnh hưởng trực tiếp đến thị lực của người bệnh.
- Bệnh nhân bị tắc tĩnh mạch võng mạc: Đối tượng này dễ gặp tình trạng các mạch máu bị vỡ, dẫn đến xuất huyết võng mạc.
- Trẻ sơ sinh: Đặc biệt là trẻ sinh non, dễ gặp phải bệnh lý về võng mạc, xuất hiện các mạch máu bất thường phát triển trong võng mạc. Các mạch máu này dễ vỡ và có thể bị rò rỉ, gây xuất huyết võng mạc ở trẻ sơ sinh
Các biện pháp điều trị bệnh xuất huyết võng mạc
Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường tại mắt,nghi ngờ bệnh xuất huyết võng mạc, cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện hoặc các phòng khám chuyên khoa mắt để được các bác sĩ chẩn đoán, xem xét mức độ tổn thương, vị trí xuất huyết võng mạc và đưa ra hướng điều trị phù hợp.
Xuất huyết võng mạc điều trị bằng các cách sau:
- Tìm ra nguyên nhân gây xuất huyết võng mạc có ý nghĩa rất quan trọng trong việc điều trị, phòng ngừa xuất huyết tái phát và phòng ngừa cho bên mắt còn lại.
- Sử dụng các kỹ thuật mới như Laser, vi phẫu mạch máu, thuốc tiêm nội nhãn để điều trị xuất huyết võng mạc. Tùy theo từng trường hợp xuất huyết võng mạc mà sử dụng một trong ba phương pháp trên hoặc sử dụng cả ba phương pháp trên.
- Bổ sung vitamin A, B, C và E để làm tăng bền vững thành mạch và chữa lành các mạch máu bị tổn thương. Ngoài ra, nên bổ sung các axit béo thiết yếu bao gồm omega-3 từ dầu cá và dầu hạt lanh.
- Điều trị và kiểm soát tốt các bệnh lý mạch máu võng mạc như đái tháo đường, cao huyết áp để phòng các biến chứng xuất huyết võng mạc do các bệnh này gây nên.
Phòng ngừa bệnh xuất huyết võng mạc
- Người có vấn đề về thị lực như nhìn mờ, đỏ mắt, cảm thấy đau nhức mắt cần đến bác sĩ để thăm khám mắt càng sớm càng tốt.
- Mỗi người khi học tập và làm việc cần có tư thế ngồi đúng cách, làm việc ở nơi đủ ánh sáng, hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử (như điện thoại, máy tính,…), đặc biệt đối với lứa tuổi học sinh và nhân viên văn phòng để tránh bị cận thị hoặc hạn chế tình trạng cận thị nặng
- Theo dõi tình trạng thai nhi trong thời kỳ mang thai và theo dõi thường xuyên những trẻ sơ sinh có nguy cơ rối loạn cao về mắt để tránh biến chứng võng mạc ở trẻ sơ sinh.
- Kiểm tra và kiểm soát tốt huyết áp cho bệnh nhân bị tăng huyết áp bằng cách đo huyết áp thường xuyên, khuyên bệnh nhân ăn giảm muối, tập thể dục 30 phút mỗi ngày với các bài tập vừa sức như đi bộ, tập yoga,…
- Kiểm soát đường huyết tốt đối với bệnh bị tiểu đường để hạn chế tối đa biến chứng xuất huyết do tiểu đường gây nên
Các biện pháp chẩn đoán bệnh xuất huyết võng mạc
Có nhiều biện pháp để chẩn đoán xuất huyết võng mạc, bao gồm:
- Soi đáy mắt: đây là biện pháp được sử dụng phổ biến nhất để chẩn đoán xuất huyết võng mạc
- Chụp mạch huỳnh quang: để chụp mạch huỳnh quang cần sử dụng thuốc nhuộm huỳnh quang tiêm vào máu của bệnh nhân trước đó để bác sĩ nhãn khoa có thể nhìn rõ hơn và kiểm tra các mạch máu trong võng mạc.
- Kiểm tra mắt: kiểm tra chức năng thị lực của mắt như bệnh nhân có nhìn rõ không, trong tầm nhìn thấy có dấu hiệu ruồi bay hay không,…