Bệnh viêm giác mạc Herpes là một bệnh lý về mắt do nhiễm virus. Việc chữa trị tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Tuy nhiên, hậu quả của bệnh viêm giác mạc Herpes khá nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến thị lực thậm chí có thể gây mù lòa.
Bệnh viêm giác mạc Herpes là gì?
Bệnh viêm giác mạc Herpes là một loại bệnh lý về mắt do nhiễm virus Herpes Simplex (HSV).
Virus Herpes Simplex có hai loại chính. Trong đó, loại 1 là phổ biến hơn và thường gây tổn thương ở mặt, tạo ra các bệnh Herpes vùng mép hay nổi bọng nước. Loại thứ 2 có hình thức lây nhiễm qua đường tình dục, gây ra các bệnh viêm nhiễm ở cơ quan sinh dục. Cả 2 loại của virus này đều có thể lây lan và gây ra bệnh viêm giác mạc Herpes, tuy nhiên virus Herpes loại 2 là chủ yếu hơn.
Bệnh viêm giác mạc Herpes là một bệnh lý dễ lây nhiễm và tái phát nếu không được điều trị tận gốc hoặc giữ gìn vệ sinh cẩn thận. Loại virus này được lây lan khi tiếp xúc qua da với người bị nhiễm bệnh. Sau sơ nhiễm thì virus hầu như không hoạt động mà chỉ sống trong các tế bào thần kinh của da. Khi có những tác nhân do sức khỏe của cơ thể thì virus được kích hoạt và phát bệnh. Các tác nhân dễ gây kích hoạt virus như: căng thẳng, nhiễm nắng, sốt, chấn thương, phẫu thuật, kỳ kinh nguyệt hoặc do một số loại thuốc.
Bệnh viêm giác mạc Herpes là kết quả do virus xuất hiện tại mắt, nhiễm vào mí mắt, giác mạc hoặc kết mạc. Ở trường hợp nhẹ, bệnh sẽ tự lành và không để lại sẹo. Trong trường hợp nặng, bệnh sẽ gây nhiễm trùng dẫn đến sẹo giác mạc, giảm thị lực và đôi khi gây mù lòa vĩnh viễn.
Triệu chứng của bệnh viêm giác mạc Herpes
Triệu chứng của viêm giác mạc Herpes khá phổ biến và gần giống với các bệnh lý về mắt khác, do vậy cần được bác sĩ chẩn đoán chính xác. Những biểu hiện như sau:
- Triệu chứng chủ quan: bệnh nhân sẽ gặp phải tình trạng đau mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt, nhạy cảm với ánh sáng, nhìn mờ.
- Triệu chứng khách quan: kết mạc cương tụ, giác mạc bị viêm chấm, giác mạc loét hình cây, viêm màng bồ đào, mủ nội nhãn…
Cách điều trị viêm giác mạc Herpes
Tùy vào mức độ nghiêm trọng của bệnh mà có những cách điều trị khác nhau.
Trường hợp nhẹ, bệnh nhân có thể được điều trị bằng thuốc kháng virus bằng thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc uống. Bác sĩ chuyên khoa mắt có thể nhẹ nhàng cạo các vùng bị ảnh hưởng của giác mạc để loại bỏ những tế bào bị bệnh. Với trường hợp bị sẹo nặng và mất thị lực, bệnh nhân cần được ghép giác mạc.
Không được tự ý uống hoặc nhỏ thuốc trong trường hợp nghi nhiễm viêm giác mạc Herpes, cần phải được thăm khám và được bác sĩ chỉ định để tránh việc bị nhiễm trùng nặng hơn.
Bệnh khó được chữa khỏi hoàn toàn. Việc tái phát là hoàn toàn có thể xảy ra. Vì một khi cơ thể đã bị nhiễm virus, rất khó để có thể đào thải hoàn toàn ra khỏi cơ thể. Vì thế, khi có dấu hiệu nghi viêm giác mạc Herpes, cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên nhãn khoa để khám và điều trị càng sớm càng tốt.
Cách phòng ngừa bệnh viêm giác mạc Herpes
Viêm giác mạc Herpes là một bệnh lý rất dễ lây nhiễm, đặc biệt là qua việc tiếp xúc trực tiếp vào vết thương. Vì thế cần lưu ý để phòng chống việc lây lan của bệnh như sau:
- Không tiếp xúc trực tiếp vào vùng da đang tổn thương của người đang bị bệnh.
- Không dùng chung đồ cá nhân như bàn chải, khăn tắm, ly uống nước, chén đũa, son môi, phấn trang điểm… với người bệnh.
- Không đụng tay lên vùng mắt hoặc dụi mắt.
- Hạn chế việc trang điểm vùng mắt khi đang bị bệnh.
- Hạn chế các điều kiện gây ra căng thẳng, nên ngủ sớm và sinh hoạt có khoa học.
Hy vọng qua bài viết của Bệnh viện mắt Việt đã giúp các bạn nắm rõ những thông tin của bệnh viêm giác mạc Herpes. Khi có những dấu hiệu của bệnh viêm giác mạc Herpes, nên nhanh chóng đến cơ sở chuyên khoa mắt uy tín để được các Bác sĩ thăm khám và kiểm tra để điều trị phù hợp.
Là một trong những trung tâm Y khoa về mắt hàng đầu Việt Nam, Bệnh viện mắt Việt tự hào là Bệnh viện đầu tiên trang bị phòng mổ áp lực dương, đảm bảo vô trùng tốt nhất tương đương tiêu chuẩn Mỹ và Châu Âu. Đồng thời luôn tự hào là hệ thống nhiều Bệnh viện cùng các Bác sĩ chuyên nghiệp, tận tâm để Bệnh nhân gửi gắm niềm tin cũng như tìm lại ánh sáng cho đôi mắt.