VIÊM THẦN KINH THỊ GIÁC

A. THỊ GIÁC LÀ GÌ?

Thế giới của chúng ta tràn ngập vô số màu sắc, hình dạng và những chuyển động vô cùng tinh vi.

Dây thần kinh thị giác là một trong 12 đôi dây thần kinh sọ nằm ở phía sau võng mạc với chức năng dẫn truyền các cảm giác, hình ảnh và ánh sáng của đồ vật về thùy chẩm ở não để phân tích những thông tin hình ảnh này để biết đang diễn ra điều gì. Từng dây đảm nhận nhiệm vụ cho từng mắt, trên một thị trường riêng biệt. Hai dây thần kinh thị giác có đường đi đối xứng nhau về hai bên bán cầu não.

Dây thần kinh thị giác bắt đầu từ gai thị, đi qua bề dày củng mạc (khoảng 0,7 mm) ra khỏi nhãn cầu. Đoạn tiếp theo của dây thần kinh thị giác là đoạn đi trong hốc mắt dài chừng khoảng 3 cm. Tiếp đến là đoạn nằm trong ống thị giác dài 0,6 cm. Sau khi ra khỏi ống xương, dây thần kinh thị giác đi tiếp về phía sau là đoạn trong sọ dài 1 cm. Tổng cộng dây thị giác dài khoảng hơn 5 cm. 

Nếu thần kinh thị giác bị tổn thương, bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng như mất thị lực, nhìn mờ hoặc giảm tầm nhìn, giảm độ nhạy cảm ánh sáng và các vấn đề liên quan đến thị giác.

B. VIÊM DÂY THẦN KINH THỊ GIÁC LÀ GÌ?

VIÊM DÂY THẦN KINH THỊ GIÁC

Viêm dây thần kinh thị giác (Optic neuritis) còn được gọi là viêm thị thần kinh. Đây là hiện tượng viêm, nhiễm khuẩn cấp tính hoặc mạn tính xảy ra trên dây thần kinh thị giác. Khi dây thần kinh thị giác bị kích thích và bị viêm thì chức năng dẫn truyền xung động đến não bộ bị ảnh hưởng dẫn đến các triệu chứng rối loạn thị lực. Viêm dây thần kinh thị giác nếu để lâu không được điều trị có thể diễn tiến ngày càng nghiêm trọng, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây mù lòa vĩnh viễn.

Viêm có thể xảy ra trên một phần hoặc toàn bộ chiều dài sợi dây thần kinh. Bệnh thường xảy ra ở 1 bên mắt, đôi khi biểu hiện ở cả 2 bên.

Viêm dây thần kinh thị giác hay gặp từ đối tượng thanh niên đến trung niên (từ 20 – 45 tuổi). Người ngoài 45 tuổi hay trẻ em cũng có thể mắc bệnh này nhưng với tỷ lệ ít hơn. Ngoài ra, tỷ lệ phụ nữ mắc viêm dây thần kinh thị giác nhiều gấp đôi nam giới.

TRIỆU CHỨNG CỦA VIÊM DÂY THẦN KINH THỊ GIÁC

Đau đớn và mất thị lực tạm thời là triệu chứng thường gặp của viêm dây thần kinh thị giác. Viêm thần kinh thị giác thường chỉ ảnh hưởng đến một bên mắt. Nếu có vấn đề cả hai bên mắt, người bệnh trước tiên cần nghĩ đến bệnh lý khác thay vì viêm thần kinh thị giác.

Triệu chứng của viêm dây thần kinh thị giác:

  • Đau nhức mắt: Đau mắt với mức độ từ trung bình cho đến nặng, đau tăng lên mỗi khi chuyển động nhãn cầu, đôi khi có cảm giác đau âm ỉ ở sau mắt. 
  • Mất thị trường thị giác (tầm nhìn suy giảm): thị trường là vùng không gian mà mỗi bên mắt quan sát được bị thu hẹp một phần hoặc có thể mất hẳn toàn bộ.
  • Mất thị lực ở một mắt: Thị lực có thể giảm sút nhanh chóng (dạng cấp tính) hoặc trong vài ngày đến vài tuần (dạng mạn tính), thậm chí có thể mù hẳn. Một số trường hợp có triệu chứng giảm thị lực tạm thời khi thân nhiệt tăng, chẳng hạn sau tập thể dục, tắm nước nóng (còn gọi là hiện tượng uhthoff). Đa số bệnh nhân đi khám là do giảm thị lực tạm thời với nhiều mức độ khác nhau. Khi được điều trị, tổn thương viêm được khu trú, thị lực sẽ được cải thiện dần trong vài tuần đến vài tháng.
  • Rối loạn sắc giác (giảm khả năng nhận diện màu sắc): người bệnh nhận thấy màu sắc mọi vật trở nên tối, nhạt nhòa, kém sống động hơn bình thường hoặc nhiều khi không phân biệt được các màu với nhau.
  • Nhìn thấy đốm sáng nhấp nháy như ánh đèn: Mức độ xuất hiện các đốm sáng tăng lên khi chuyển động nhãn cầu.

Dấu hiệu Pulfrich: Nhìn vật thể di chuyển theo đường thẳng thành đường cong, hiện tượng này là do sự dẫn truyền không cân xứng giữa 2 dây thần kinh thị giác.

Ngoài ra, viêm dây thần kinh thị giác có thể còn đi kèm với các tổn thương trên thần kinh khác: gây tê hoặc yếu ở một hoặc nhiều chi, thậm chí là rối loạn tri giác khi bệnh đã diễn tiến nặng nề.

NGUYÊN NHÂN GÂY RA VIÊM THỊ THẦN KINH

Nguyên nhân chính xác các trường hợp viêm thị thần kinh đều là vô căn hiện nay vẫn chưa được xác định rõ. Nhiều nghiên cứu cho rằng đây là hệ quả khi hệ thống miễn dịch tấn công nhầm mục tiêu vào chất bao phủ dây thần kinh thị giác (myelin) dẫn đến viêm và tổn thương myelin. Điều này trì hoãn dẫn truyền tín hiệu và ảnh hưởng đến thị lực.

Còn lại, các trường hợp có nguyên nhân thì thường liên quan đến các bệnh thần kinh như:

  • Bệnh đa xơ cứng: Đa xơ cứng là một bệnh lý tự miễn, trong đó hệ miễn dịch tự tấn công vào vỏ bao sợi thần kinh của tủy sống và não.  Ở những người bị viêm dây thần kinh thị giác, nguy cơ tiến triển đến bệnh đa xơ cứng sau một đợt tổn thương cấp tính là khoảng 50% trong suốt cuộc đời.
  • Nhiễm trùng: Các bệnh nhiễm trùng có thể gây ra viêm dây thần kinh thị giác là:  cúm, thấp khớp, bạch hầu, sốt phát ban, quai bị, sởi, lao, bệnh Lyme, zona, giang mai, viêm xoang, viêm màng não, HIV… Các bệnh như sarcoidosis và lupus có thể gây viêm thần kinh thị giác tái phát nhiều lần.
    Các ổ nhiễm trùng lân cận thị thần kinh như viêm tai, viêm mũi-xoang, viêm họng, viêm amidan, sâu răng… Các nhiễm khuẩn của hệ thần kinh: viêm não, viêm màng não,… có thể là nguyên nhân dẫn đến viêm thị thần kinh.
    Nhiễm nấm: Nấm Candidat albicans thường gây viên hắc võng mạc kết hợp với viêm gai thị, hay gặp ở người nghiện heroine, suy giảm miễn dịch. 
  • Viêm tủy – thị thần kinh.
  • Phản ứng sau khi tiêm chủng. Các bệnh dị ứng: sau tiêm huyết thanh chống bạch hầu, uốn ván, dị ứng thực phẩm.
  • Ung thư di căn đến thần kinh thị giác.
  • Thuốc: Một số loại thuốc thúc đẩy quá trình viêm dây thần kinh thị giác như quinine và một số loại kháng sinh.
  • Nguyên nhân khác: ngộ độc rượu, ngộ độc thuốc, thiếu vitamin nhóm B, thiếu máu thị thần kinh, chấn thương…
  • Và các nguyên nhân hiếm gặp gồm: bị đái tháo đường, thiếu máu ác tính, các bệnh tự miễn, bệnh nhãn giáp, ong đốt, chấn thương.

CÁC BIẾN CHỨNG CỦA VIÊM THẦN KINH THỊ GIÁC

Các biến chứng có thể gặp phải từ viêm dây thần kinh thị giác gồm có:

  • Tổn thương thần kinh thị giác Dây thần kinh thị giác bị hư hỏng nặng nề sau mỗi đợt viêm và không thể hồi phục lại chức năng như bình thường
  • Giảm thị lực: Đa số các bệnh nhân đều có thể lấy lại thị lực bình thường hoặc gần như bình thường trong vòng vài tháng sau đợt viêm cấp tính. Không ít người bệnh có thể mất khả năng nhận diện màu sắc, giảm thị lực nghiêm trọng trong thời gian dài, thậm chí là mù vĩnh viễn cho dù tình trạng viêm đã thuyên giảm. 
  • Tác dụng phụ của thuốc điều trị: corticoid là loại thuốc thường được sử dụng trong điều trị viêm thần kinh thị giác với mục tiêu ức chế hệ thống miễn dịch. Chính cơ chế này lại tạo nên điều kiện thuận lợi là khiến cơ thể bạn dễ bị nhiễm trùng, mắc bệnh. Ngoài ra, các tác dụng phụ khác của steroid bao gồm tăng cân, loãng xương, viêm loét dạ dày, chảy máu đường tiêu hóa, rối loạn dung nạp đường, thay đổi tâm trạng và thậm chí là gây nghiện.
  • Do vậy, mọi người cần đi khám từ sớm, ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường để bác sĩ có thể đưa ra các phương án xử trí phù hợp, giảm thiểu nguy cơ gặp biến chứng và hạn chế để lại các di chứng nguy hiểm.

C. CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ VIÊM DÂY THẦN KINH THỊ GIÁC NHƯ THẾ NÀO? 

Viêm dây thần kinh thị giác có thể được chẩn đoán dựa trên một số kiểm tra mắt sau:

  • Đo thị lực, đo lường thị trường, test khả năng cảm nhận màu sắc.
  • Soi đáy mắt để quan sát đĩa thị (nơi dây thần kinh thị giác đi vào nhãn cầu), khoảng 1/3 người bị viêm dây thần kinh thị giác có tình trạng sưng đĩa thị.
  • Test phản ứng của đồng tử với ánh sáng, nếu bị viêm dây thần kinh thị giác, đồng tử sẽ không co lại nhiều khi chiếu ánh sáng chói vào mắt.
  • Xét nghiệm máu để tìm kháng thể tự miễn dịch hoặc phát hiện nhiễm trùng.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) để quan sát hình ảnh dây thần kinh thị giác và não, giúp phát hiện các tổn thương trong não có thể là nguyên nhân gây bệnh.
  • Chụp cắt lớp quang học (OCT) để đo độ dày của lớp sợi thần kinh ở võng mạc mắt, lớp này thường mỏng hơn do viêm dây thần kinh thị giác.

Phương pháp điều trị viêm dây thần kinh thị giác

Việc phát hiện sớm và điều trị viêm dây thần kinh thị giác kịp thời có ý nghĩa quan trọng trong phục hồi thị lực cho người bệnh. 

  • Điều trị bằng thuốc

Người bệnh cần được khám bệnh toàn diện và điều trị theo các chuyên khoa: tai – mũi – họng, thần kinh, truyền nhiễm, dị ứng… Ngay khi có nghi ngờ bệnh viêm dây thần kinh thị giác nên ngừng ngay việc sử dụng các chất gây nhiễm độc dây thần kinh thị giác.

Bác sĩ sẽ giải quyết rối loạn tuần hoàn, dinh dưỡng tại dây thần kinh, chống viêm, chống nhiễm trùng… Việc điều trị viêm dây thần kinh thị giác chủ yếu là loại trừ nguyên nhân. Ngay sau khi có chẩn đoán xác định, bác sĩ sẽ điều trị bằng corticoid. 

Thuốc corticoid có thể được chỉ định với liều rất cao, dùng cả đường uống lẫn đường tiêm, truyền tĩnh mạch. Thị lực có thể bắt đầu phục hồi sau 2 – 3 tuần hoặc chậm hơn sau 1 – 2 tháng nhưng rất khó để phục hồi hoàn toàn. Mặt khác việc sử dụng corticoid tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ trên mắt như gây đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, nhiễm trùng mắt, hắc võng mạc trung tâm thanh dịch… hoặc toàn thân như phù, loãng xương, viêm dạ dày, xuất huyết tiêu hóa…. Do đó, chỉ dùng trong thời gian ngắn và phải theo dõi chặt chẽ phản ứng của cơ thể.

Với kháng sinh, tùy theo tác nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ cho chỉ định phù hợp.

Trong 1 số trường hợp đặc biệt bác sĩ có thể cho người bệnh dùng tới thuốc ức chế miễn dịch (bệnh Behcet). Các loại thuốc giãn mạch dùng theo đường uống và tiêm cạnh nhãn cầu cùng các vitamin nhóm B như B1, B6, B12 cũng có thể được bác sĩ sử dụng.

Lưu ý, các loại thuốc cần được kê bởi bác sĩ và bệnh nhân cần tuân thủ đúng các chỉ định để cho hiệu quả cao nhất

  • Liệu pháp thay thế huyết tương

Liệu pháp này có thể được chỉ định khi điều trị bằng corticoid thất bại, huyết tương có chứa các tự kháng thể, chất hóa học gây viêm được lọc bỏ ra ngoài và thay thế bằng dung dịch huyết tương hoặc albumin đồng thể tích.

D. MỘT SỐ CÁCH CẢI THIỆN THỊ GIÁC MẮT

  • Khám mắt định kỳ

Dù có thị lực tối đa 10/10, bạn vẫn nên thực hiện khám mắt định kì 3 hay 6 tháng 1 lần. Việc kiểm tra mắt bằng trang thiết bị y tế hiện đại sẽ giúp phát hiện sớm các vấn đề về mắt từ đó có biện pháp xử lý kịp thời.

  • Chế độ dinh dưỡng cho mắt

Để mắt hoạt động tốt bạn cần bổ sung vitamin và các chất dinh dưỡng bao gồm: vitamin A, E, C, lutein, zeaxanthin, axit béo Omega-3, kẽm và beta-caroten. Những chất này có trong thực phẩm như: dầu đậu nành, bơ, sữa, lòng đỏ trứng, cà rốt, thịt bò, cà chua,… Cần bổ sung vitamin A có trong các loại thực phẩm, như: cà rốt, cam, bơ,… để mắt hoạt động tốt, ngừa các bệnh về mắt.

  • Hoạt động thể chất

Ngoài ra, một số bài tập như: chớp mắt liên tục, đảo mắt qua lại và nhắm chặt mắt cũng giúp giảm căng thẳng và mệt mỏi cho mắt.

Bảo vệ mắt khỏi tia UV, ánh sáng xanh bằng cách sử dụng kính râm hoặc kính chống ánh sáng xanh (bật chế độ hạn chế ánh sáng xanh trên thiết bị thông minh)…

 

Những thông tin cung cấp trong bài viết mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa mắt. Vì vậy hãy thăm khám và hỏi ý kiến bác sĩ ngay khi mắt có bất kì dấu hiệu bất thường nào.

Trung tâm mắt Việt 249 Cộng Hòa, P.13, Q.Tân Bình, TP.HCM

Hotline/Zalo: 0902 249 368

Trung tâm mắt Việt 94 Mạc Đĩnh Chi, P.Đa Kao, Q.01, TP.HCM

Hotline/Zalo: 0902 994 368

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào Bạn! Bệnh viện mắt Việt đã sẵn sàng hỗ trợ và tư vấn miễn phí