Loạn thị và cận thị là hai bệnh lý thường gặp ở mắt. Cả hai đều làm ảnh hưởng đến thị lực khiến người bệnh không nhìn rõ vật. Đây là 2 tình trạng hoàn toàn khác nhau, song ít người có thể phân biệt được hai loại bệnh lý này.
Loạn thị là gì?
Loạn thị là tình trạng thị lực giảm do giác mạc mất đi độ cong vốn có, khi đó khiến cho hình ảnh thu được sẽ hội tụ tại nhiều điểm trên võng mạc, thay vì hội tụ tại một điểm trên võng mạc, làm cho bệnh nhân nhìn thấy mọi vật mờ và loạn nét.
Loạn thị là một loại tật khúc xạ khá phổ biến. Nguyên nhân của tật loạn thị có thể do bẩm sinh hoặc do thói quen sinh hoạt không đúng khoa học. Loạn thị có thể xảy ra đối với mọi lứa tuổi, thậm chí còn có thể đi kèm với tật cận thị hoặc viễn thị, gọi là tật cận loạn hoặc viễn loạn.
Cận thị là gì?
Cận thị xảy ra khi trục nhãn cầu quá dài, làm ảnh hưởng đến việc hội tụ của giác mạc và thủy tinh thể của mắt, hậu quả của điều này là làm cho tia sáng đi vào mắt hội tụ tại một điểm trước võng mạc, thay vì phải hội tụ đúng ngay tại võng mạc. Khi đó, mắt chỉ nhìn rõ được những vật ở khoảng cách gần và nhìn mờ những vật ở xa.
Để khắc phục điều đó, người mắc tật cận thị phải đeo thấu kính phân kì để điều chỉnh hình ảnh hội tụ đúng trên võng mạc, giúp hình ảnh nhìn thấy được rõ nhất.
So sánh loạn thị và cận thị cực đơn giản
Loạn thị và cận thị đều là 2 bệnh lý ở mắt liên quan đến tật khúc xạ phổ biến nhất hiện nay. Điểm chung của cả hai loại bệnh lý này là làm giảm thị lực, hạn chế tầm nhìn và gây ra nhiều điều bất tiện trong công việc và cuộc sống của bệnh nhân. Tuy nhiên, vẫn có những khác biệt cụ thể mà chúng ta dễ dàng phân biệt được.
Triệu chứng dễ phân biệt giữa loạn thị và cận thị đó là về thị lực của mắt. Với tật cận thị, người bệnh chỉ có thể nhìn rõ những vật ở khoảng cách gần và nhìn mờ những vật ở khoảng cách xa. Còn với tật loạn thị, dù ở khoảng cách gần hay xa, người bệnh đều nhìn mờ hoặc loạn nét tất cả các vật thể. Người mắc tật loạn thị sẽ gặp các triệu chứng về tầm nhìn như thấy hình ảnh đôi, vật thể bị méo mó, nhìn 1 vật có 2 hoặc 3 bóng mờ.
Về mức độ nặng nhẹ của bệnh lý, với người mắc tật cận thị, độ cận sẽ có xu hướng tăng dần theo thời gian nếu mắt không được chăm sóc và có chế độ làm việc hay sinh hoạt hợp lý. Còn với tật loạn thị, độ loạn sẽ cố định với người bệnh mà ít hoặc hầu như không thay đổi theo thời gian.
Thấu kính của người bị cận thị là thấu kính phân kỳ, có bề mặt lõm xuống, còn thấu kính của người bị loạn thị là thấu kính trụ, đều có có nhiệm vụ điều chỉnh khúc xạ ánh sáng để đưa hình ảnh thu được về đúng võng mạc, giúp hình ảnh được rõ nét hơn.
Loạn thị và cận thị, bệnh nào nguy hiểm hơn?
Như những gì chúng ta đã tìm hiểu ở trên, loạn thị và cận thị là hai bệnh lý về mắt hoàn toàn khác nhau, đều mang đến những ảnh hưởng tiêu cực cho thị lực, mỗi loại đều mang tính chất và đặc tính riêng. Mức độ nguy hiểm của mỗi bệnh lý không chỉ liên quan đến đặc điểm của nó, nhưng còn phụ thuộc vào độ nặng nhẹ của chỉ số diop mà bệnh nhân mắc phải.
Bất kì tật khúc xạ nào có độ diop dưới 1 độ đều hầu như không ảnh hưởng đến thị lực và đời sống của người mắc phải, có thể sử dụng các phương pháp chăm sóc mắt và không cần điều trị.
Với loạn thị, người bệnh có độ loạn trên 1,5 diop sẽ có triệu chứng mờ mắt đi kèm với khó chịu và đau đầu. Triệu chứng này nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ dẫn đến tình trạng nhược thị – là khi mắt không nhìn thấy rõ được dù đã đeo kính. Tuy nhiên độ loạn thị hầu như không tăng theo thời gian.
Với cận thị, khi người bệnh mắc độ cận trên 2 diop cần được điều trị hoặc mang kính để cải thiện tầm nhìn, và nếu không được được điều trị đúng cách độ cận sẽ tăng theo thời gian.
Tóm lại, không thể nhận xét tật khúc xạ loạn thị hay cận thị cái nào có mức độ nguy hiểm cao hơn. Tuy nhiên, loạn thị và cận thị đều có hại cho mắt của chúng ta. Cần có chế độ chăm sóc sức khỏe và thăm khám thị lực thường xuyên để mức độ nguy hiểm của loạn thị và cận thị đều nằm trong tầm kiểm soát của bản thân.