Khái niệm và các loại nước mắt nhân tạo Nước mắt nhân tạo (artificial tears) là chất lỏng dạng dung dịch nhỏ mắt, được thiết kế để bắt chước, thay thế hoặc tăng cường phim nước mắt tự nhiên. Chúng được sử dụng rộng rãi trong điều trị các bệnh lý bề mặt như: khô mắt, viêm bờ mi, sau phẫu thuật khúc xạ tạo hình, viêm kết giác mạc mạn tính…
Các loại nước mắt nhân tạo
Có chất bảo quản (preserved): thường chứa BAK, Polyquad…
Không chất bảo quản (preservative-free): dạng ống đơn liều hoặc hệ thống đóng lọ vô khuẩn
Dạng gel hoặc gel nhỏ mắt: có độ nhớt cao hơn, thường dùng trước khi ngủ hoặc trong trường hợp khô mắt trung bình – nặng, giúp duy trì độ ẩm lâu hơn trên bề mặt nhãn cầu.
Vai trò và cơ chế tác dụng Nước mắt nhân tạo giúp
- Bổ sung độ ẩm, duy trì phim nước mắt
- Bảo vệ tế bào biểu mô giác mạc
- Giảm viêm nhẹ nhàng nhờ loại bỏ cytokin viêm
- Rửa sạch các yếu tố vi trùng, không bị nhiễm
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không có loại nước mắt nhân tạo nào có thể thay thế hoàn toàn nước mắt tự nhiên. Nước mắt sinh lý không chỉ là dung dịch muối mà còn chứa các thành phần quan trọng như kháng thể (IgA), enzyme (lysozyme), lactoferrin và các yếu tố tăng trưởng – đóng vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ bề mặt nhãn cầu khỏi tác nhân gây bệnh và duy trì sự toàn vẹn biểu mô. Do đó, nước mắt nhân tạo chỉ là biện pháp hỗ trợ chứ không phải là sự thay thế hoàn toàn.
Nhỏ nước mắt nhân tạo nhiều có tốt không? Câu trả lời phụ thuộc vào
Loại dung dịch sử dụng
Nước mắt nhân tạo KHÔNG chứa chất bảo quản: có thể dùng nhiều lần/ngày (6–10 lần), an toàn trong điều trị khô mắt nặng hoặc sau mổ.
Có chứa chất bảo quản: trong đa số trường hợp, các chất bảo quản được sử dụng đã qua thẩm định và được chấp thuận sử dụng lâu dài với liều hợp lý. Tuy nhiên, việc nhỏ nhiều lần trong ngày và kéo dài vẫn có thể gây kích ứng hoặc độc tính nhẹ ở một tỉ lệ nhỏ bệnh nhân nhạy cảm.
Nguy cơ khi dùng lâu dài hoặc lạm dụng
Làm suy giảm hoặc rối loạn cơ chế tiết và duy trì phim nước mắt tự nhiên
Tăng nguy cơ nhiễm trùng nếu dùng chai mở lâu
Tạo thói quen lệ thuộc vào cảm giác khô ảo
Xem thêm: Thời gian khám mắt định kỳ đối với học sinh, sinh viên: Cần làm ngay hay có thể chờ?
Gợi ý sử dụng hợp lý cho bệnh nhân
Khuyên dùng nước mắt không chứa bảo quản nếu cần dùng > 4 lần/ngày hoặc dài ngày
Tránh lạm dụng, che lấp triệu chứng như đau rát, mờ mắt không do khô mắt thật
Thăm khám khi cần dùng nước mắt nhân tạo mãi không đỡ khô
Kết luận
Nước mắt nhân tạo là một trong những vũ khí hữu hiệu và an toàn nhất trong nhãn khoa. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả điều trị tối ưu và tránh các nguy cơ tiềm ẩn, cần sử dụng đúng loại, đúng tần suất và theo chỉ định chuyên môn. Quan trọng hơn, cần hiểu rằng nước mắt nhân tạo không thể thay thế hoàn toàn nước mắt tự nhiên – một hệ thống phức tạp và giàu hoạt tính sinh học.
Tài liệu tham khảo:
Baudouin C, Aragona P, Messmer EM, et al. Role of preservatives in the management of ocular surface disease: consensus guidelines. Clin Ophthalmol. 2017;11:1957–1962.
Jones L, Downie LE, Korb D, et al. TFOS DEWS II Management and Therapy Report. Ocul Surf. 2017;15(3):575–628.
Labetoulle M, Rolando M, Baudouin C, et al. Preservative-free artificial tears: benefits for ocular surface disease. Acta Ophthalmol. 2019;97(7):e112–e121.
American Academy of Ophthalmology. Eye drops and ocular lubricants. In: Basic and Clinical Science Course (BCSC), Section 8: External Disease and Cornea. 2022–2023 edition.
Benitez-del-Castillo JM. How to promote and preserve eyelid health. Clin Ophthalmol. 2012;6:1689–1698.