Dị vật vào mắt là gì? Cách sơ cứu loại bỏ dị vật khỏi mắt

Tư vấn chuyên môn bài viết

Bác sĩ CKII 

Đặng Đức Khánh Tiên

Bệnh Viện Mắt Việt

Nhân một trường hợp đến khám tại Bệnh viện mắt Việt – mắt bệnh nhân bị Viêm loét giác mạc do tự lấy dị vật trong mắt, chúng tôi trình bày bài viết này như 1 lời cảnh báo, giúp các bạn biết cách xử lý khi mắt có dị vật – nhầm tránh những biến chứng đáng tiếc.

Trong mọi hoạt động hằng ngày như đang chạy xe máy ngoài phố, đang quét dọn nhà cửa, đang làm việc – đặc biệt là các bạn làm nghề cơ khí, xây dựng…vật lạ bay vào mắt rất là phổ biến, không phải ai cũng biết và cũng có thể loại bỏ vật lạ khỏi mắt một cách an toàn.

Tư vấn chuyên môn bài viết Bs CKII Đặng Đức Khánh Tiên Bệnh Viện Mắt Việt

Dị vật vào mắt là gì?

Vật lạ bay vào mắt gây khó chịu, đau mắt. Vật lạ có thể là bụi cát, mảnh kim loai, côn trùng, cánh côn trùng, hóa chất (keo vào mắt bị đóng vón lại)…

Tác hại của dị vật khi vào mắt

Nếu dị vật vào mắt, không được lấy ra sẽ gây nhiễm trùng mắt, bạn sẽ có những dấu hiệu khó chịu gây ảnh hưởng tới sinh hoạt của bạn.

Dị vật ở mi mắt hay tròng trắng có thể gây viêm kết mạc dai dẳng, trầy giác mạc…

Dị vật vào tròng đen (như bụi kim loại có thể hình thành vòng rỉ sét) sẽ gây phản ứng viêm giác mạc, loét giác mạc.

Dị vật sâu xuyên thấu vào nội nhãn gây viêm mủ nội nhãn.

Hậu quả nhiễm trùng khi có dị vật vào mắt sẽ tạo sẹo giác mạc (tròng đen), thủng giác mạc, khoét bỏ nhãn cầu do viêm nội nhãn…gây mờ mắt, nặng nề hơn có thể gây mù.

Dấu hiệu gì có thể nghi ngờ dị vật vào mắt?

Cảm giác cộm xốn, chảy nước mắt như cát vào mắt.

Bạn có thể tự thấy dị vật ở mi mắt, ở tròng trằng hoặc tròng đen.

Khó mở được mắt do chói sáng, chảy nước mắt.

Đau đột ngột khi có vật lạ vào mắt.

Kích ứng, mắt bị khó chịu dai dẳng.

Cách sơ cứu loại bỏ dị vật khỏi mắt

Nháy mắt liên tục: động tác này nhầm kích thích nước mắt chảy ra nhiều làm trôi dị vật khỏi mắt.

Rửa mắt: dùng nước sạch hoặc nước muối nhỏ mắt (như: Efticol).

Nếu dị vật không tự trôi, bạn cần xác định vị trí của dị vật đang ở mi, tròng trắng hoặc tròng đen.

Nếu dị vật ở mi dưới, mi trên: bạn đứng trước gương (hoặc nhờ người khác lấy hộ), 1 tay vạch nhẹ mi dưới (hoặc lật mi trên) 1 tay dùng tâm bông sạch chạm nhẹ lên dị vật tách dị vật khỏi chổ bám và di chuyển nhẹ nhàng ra khỏi mắt.

Nếu dị vật trên tròng đen (giác mạc), dị vật thường dính chặt: không nên cố gắng tự lấy dị vật ở những vị trí này.

Nếu dị vật ở bất cứ vị trí nào trong mắt, không tự loại bỏ được, bạn không nên cố gắng quá nhiều (và đặc biệt nghi ngờ dị vật xuyên thấu nhãn cầu) – nên gọi bác sĩ tư vấn và khám mắt.

Nên tuân thủ những việc gì để an toàn cho mắt bạn?

Cho dù cách loại bỏ dị vật được thực hiện tại nhà hay tại phòng khám, chúng ta đều cần tuân thủ:

Tuyệt đối không dụi tay vào mắt: mặc dù đây là phản xạ tự nhiện khi mắt ta đột ngột bị cộm xốn, nhưng động tác này rất nguy hiểm vì khi ấy dị vật sẽ cọ sát vào bề mặt mắt như kết mạc, giác mạc…sẽ gây tổn thương trầy xước dẫn đến viêm nhiễm, thời gian hồi phục lâu hơn hoặc có thế dị vật sẽ xuyên thẳng vào nhãn cầu (vật sắc nhọn).

Rửa tay trước khi lấy dị vật.

Rửa mắt bằng nước sạch hoặc thuốc nhỏ mắt. Rửa tưới nhẹ nhàng, tuyệt đối không dùng vòi nước mạnh xịt vào mắt.

Tăm bông sạch.

Không tự lấy kim, nhíp..và tự loại bỏ dị vật trong mắt, việc này chỉ được thực hiện bởi bác sĩ CK Mắt.

Nếu đang đeo kính sát tròng: tháo kính trước khi lấy dị vật.

Khi di chuyển đến phòng khám mắt, bạn nên nhắm mắt hoặc băng mắt để mắt đỡ khó chịu và tránh tổn thương các tổ chức bề mặt nhãn cầu do dị vật cọ sát gây nên.

Tại bệnh viện mắt, bạn sẽ được bác sĩ thực hiện những gì để giúp lấy dị vật ra khỏi mắt?

* Bạn cần trả lời những câu hỏi trước khi tiến hành khám mắt:

  • Bạn đang cảm thấy khó chịu như thế nào (khai triệu chứng).
  • Bạn đang làm việc gì khi bị dị vật bay vào mắt.
  • Bạn đã xử trí gì trước khi tới bệnh viện.

* Bạn sẽ được bác sĩ khám mắt bằng kính sinh hiển vi (phóng đại mắt gấp 10 lần nên dễ dàng thấy các dị vật nhỏ): xác định loại dị vật, vị trí dị vật, tiên lượng có thể lấy dị vật tại phòng khám hay phải nhập viện lấy ở phòng mổ (nghi ngờ dị vật sâu có thể gây thủng giác mạc).

* Bạn sẽ được giải thích cách lấy dị vật và bác sĩ yêu cầu sự hợp tác của bạn như: không lo lắng, không liếc mắt…trong quá trình lấy dị vật.

* Nhỏ thuốc tê bề mặt (trước khi lấy dị vật hoặc lúc khám mắt nếu dị vật gây khó chịu làm bạn không tự mở được mắt).

* Bác sĩ sẽ dùng đầu tăm bông, hoặc dụng cụ (thường là mũi kim tiêm) để bật dị vật ra khỏi chỗ bám, di chuyển và nhẹ nhàng lấy dị vật ra khỏi mắt.

* Rửa mắt.

* Bạn sẽ được bác sĩ kê đơn thuốc, hướng dẫn cách chăm sóc mắt, lịch tái khám.

Hình: Cách lấy dị vật mắt tại phòng khám.

Trường hợp dị vật nằm sâu trong giác mạc, khi lấy dị vật nếu tiên lượng có thể gây thủng giác mạc, bác sĩ sẽ dừng lại tạm thời kê đơn thuốc, hẹn tái khám hoặc nhập viện để lấy dị vật trong phòng mổ (để cần thiết phải dán keo hoặc khâu giác mạc).

Chăm sóc mắt sau khi lấy dị vật

Một số dị vật có thể loại bỏ dễ dàng ra khỏi mắt: chỉ cần giữ vệ sinh mắt, nhỏ thuốc dưỡng ẩm mắt vài ngày.

Dị vật trên giác mạc, sau khi lấy có thể gây khuyết nhẹ biểu mô giác mạc: tuân thủ đơn thuốc của bác sĩ, tổn thương và các triệu chứng khó chịu mắt sẽ mất dần sau vài ngày – 1 tuần.

Nếu sau 1 tuần, các triệu chứng khó chịu không thuyên giảm, bạn nên gọi bác sĩ tư vấn và tái khám.

Phòng tránh dị vật vào mắt

  • Mang kính râm tránh gió bụi.
  • Mang kính bảo hộ khi làm việc nếu bạn làm ngành nghề có nguy cơ bắn dị vật vào mắt.
  • Tìm hiểu cách sơ cứu ban đầu khi dị vật vào mắt.

Bệnh viện mắt Việt

Bác sĩ CKII Đặng Đức Khánh Tiên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *