Tụ máu trong mắt thường gặp:
- Xuất huyết mi mắt (Bầm mi).
- Xuất huyết kết mạc: là tình trạng mạch máu nhỏ ở kết mạc nhãn cầu (tròng trắng) bị vỡ gây xuất huyết, làm tròng trắng mắt bạn xuất hiện đốm đỏ, vệt hoặc mảng xuất huyết.

Bầm mi
Nguyên nhân xuất huyết mi mắt (bầm mi)
Chấn thương (chấn thương mắt, chấn thương đầu mặt).
Sau phẫu thuật vùng mặt (phẫu thuật thẩm mỹ, phẫu thuật xoang mũi, phẫu thuật hàm mặt).
Tiêm tê hậu nhãn cầu.
Do sử dụng thuốc kháng đông, thiếu hụt vitamin, hay bệnh lý về máu…
Một số biện pháp giúp giảm bầm mi tại nhà
Nếu bạn chỉ bầm mi đơn thuần, chườm lạnh và xoa nhẹ nhàng (massage) da vùng mi mắt sẽ giúp mi mắt mau giảm bầm.
Massage mi mắt, chườm lạnh sẽ làm co nhẹ mạch máu vùng mi mắt, tế bào hồng cầu thoát mạch phân tán ra xung quanh giúp thúc đẩy quá trình tan máu và tiêu máu nhanh hơn.
- Thường sau 1 – 2 ngày: Quá trình tan máu, tế bào hồng cầu thoát mạch vỡ ra, vùng da mi chuyển màu xanh tím.
- Sau 2 – 10 ngày: Quá trình tiêu máu, cơ thể bắt đầu “dọn dẹp’ các thành phần tế bào máu tan ra, mi mắt bầm sẽ chuyển sang màu vàng.
- Sau 10 – 12 ngày: Vết bầm dường như mờ hẳn.
Xuất huyết kết mạc
Là tình trạng mạch máu nhỏ ở kết mạc nhãn cầu (tròng trắng) bị vỡ gây xuất huyết, làm tròng trắng mắt bạn xuất hiện đốm đỏ, vệt hoặc mảng xuất huyết.
Nguyên nhân
Mạch máu tự nhiên bị vỡ.
Sau chấn thương vùng mặt, hốc mắt.
Sau phẫu thuật mắt (phẫu thuật Lasik, mộng thịt, lác…)
Do hoạt động mạnh gắng sức gây tăng áp lực lên các mạch máu kết mạc như ho nhiều, nôn ói nhiều, rặn, bơi lặn sâu, tập tạ, bệnh THA…
Do sử dụng thuốc kháng đông, thiếu hụt vitamin, hay bệnh lý về máu…
Xử trí gì khi mắt bị xuất huyết kết mạc?
Không dụi tay vào vùng mắt, vì có thể làm tình trạng xuất huyết bị nặng hơn. Có thể xử lý tạm thời bằng việc chườm lạnh và uống nhiều nước.
Nhỏ mắt bằng nước mắt nhân tạo giúp mắt cảm thấy dễ chịu hơn (không có tác dụng làm tan máu).

Nếu có tiền sử tăng huyết áp, nên đo lại huyết áp.
Nếu bạn đang sử dụng các thuốc chống đông nên báo với bác sĩ chuyên khoa đang trực tiếp điều trị để điều chỉnh, thay đổi liều lượng cho phù hợp hoặc có thể cân nhắc việc chuyển thuốc điều trị khác nếu cần.
Nếu bạn có kèm xuất huyết tự nhiên nhiều nơi trên cơ thể, nên gọi bác sĩ chuyên khoa Nội khám và tư vấn.
Cách làm tan máu bầm ở mắt bằng phương pháp chườm lạnh
Chườm đá lạnh sẽ giúp co các mạch máu ở vùng mắt, tốc độ máu lưu thông chậm hơn nên giảm tiêu thụ oxy, giảm tính thấm thành mạch và khả năng xuyên mạch của bạch cầu. Từ đó chườm lạnh cho mắt sẽ giúp giảm phản ứng sưng viêm, giảm tình trạng sưng nề.
Nhiệt độ lạnh làm gây tê các đầu mút của dây thần kinh có tác dụng xoa dịu cơn đau.
Thực hiện chườm lạnh theo thứ tự các bước dưới đây:
Cho nước đá viên vào miếng vải sạch đặt lên vết bầm. Không để đá lạnh tiếp xúc trực tiếp với bề mặt da vì có thể gây bỏng lạnh.
Nhẹ nhàng áp lên khu vực mắt bị bầm tím trong khoảng 15 – 20 phút. Không đè ép mạnh lên vùng tổn thương.

Có thể lặp lại cách làm tan máu bầm ở mí mắt này 3-4 lần trong ngày.
Chườm lạnh hiệu quả nhất trong vòng 1-2 ngày sau khi bạn bị tổn thương.
Cách làm tan máu bầm ở khu vực mắt bằng phương pháp chườm nóng
Sau 1 – 2 ngày chườm lạnh, hãy thử chườm ấm nhẹ nhàng lên mắt. Điều này sẽ làm tăng lưu lượng máu đến khu vực đó để thúc đẩy quá trình chữa lành.
Cách làm tan máu bầm ở mắt bằng chườm nóng tốt nhất là sau khi vết sưng thuyên giảm. Nếu chườm nóng khi chưa hết sưng sẽ làm giãn các mao mạch gây ra hiện tượng thoát mạch làm tăng tình trạng sưng nề, xuất huyết tái phát.
Thực hiện chườm nóng theo thứ tự các bước dưới đây:
Đặt một khăn sạch vào một chậu nhỏ.
Đổ nước nóng vào tô để ngâm khăn. Lưu ý chúng ta không sử dụng nước quá nóng mà chỉ dùng nước ấm có nhiệt độ vừa phải để tránh gây bỏng da.
Lấy khăn ra và vắt thật khô tránh gây bỏng nóng.
Nhẹ nhàng áp khăn lên mắt trong vòng 15 phút.
Lưu ý: Nên thử lên vùng da khác của cơ thể trước khi thử chườm nóng, chườm lạnh trực tiếp trên mắt.
Cách làm tan vết bầm ở mắt bằng phương pháp nhẹ nhàng massage
Cách làm tan máu bầm này giúp hỗ trợ, thúc đẩy thông thoáng lưu lượng máu huyết lưu thông đến vị trí tổn thương, giảm sưng nề giảm đau.
Khi nào cần khám bác sĩ?
Mặc dù máu tụ trong mắt thường không gây ra vấn đề lớn, bạn nên khám bác sĩ nếu:
- Nếu các động tác massage, chườm lạnh, chườm nóng… khiến tình trạng đau hoặc tình trạng sưng nề không thuyên giảm, mắt sưng nề và đau hơn: nên ngừng các phương pháp này ngay lập tức.
- Vết máu tụ không thuyên giảm sau một khoảng thời gian dài.
- Có các triệu chứng khác như đau mắt, sưng mắt, hoặc mất thị lực.
- Bạn có tiền sử bệnh lý liên quan đến huyết áp hoặc đông máu.
