Bệnh mù màu là gì?
Bệnh mù màu còn được gọi với tên gọi khác là rối loạn sắc giác hoặc loạn sắc giác. Đây là tình trạng mắt nhìn rõ được mọi vật nhưng không phân biệt được một số màu sắc, hiếm khi có trường hợp không thể nhìn thấy được màu sắc nào. Những màu sắc mà người mắc bệnh mù màu thường không phân biệt được là màu đỏ, màu xanh lá cây và màu xanh dương.
Bệnh mù màu là một bệnh lý có yếu tố di truyền, và vì không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh, nên bệnh mù màu ngày càng được lan rộng qua việc sinh sản.
Theo nghiên cứu, bệnh mù màu thường xuất hiện ở nam giới nhiều hơn nữ giới, và tỉ lệ người phương Đông ít bị mù màu hơn người phương Tây.
Nguyên nhân của bệnh mù màu
Nguyên nhân hàng đầu và phổ biến nhất mà người mắc bệnh mù màu gặp phải là do vấn đề của các sắc tố trong mắt. Cấu tạo của mắt có các tế bào phản xạ với ánh sáng nằm trên võng mạc, chúng được gọi là tế bào que và tế bào nón. Trong đó, các tế bào nón có chứa sắc tố màu phản xạ với các bước sóng khác nhau của ánh sáng. Do vậy, nếu tế bào nón có chứa tất cả các sắc tố đúng thì thị lực sẽ tốt và nhận biết được toàn bộ màu sắc đúng của vật, nếu một sắc tố nào đó bị sai lệch, khi đó thị lực sẽ không nhìn thấy được một số màu cách chính xác.
Bên cạnh đó, còn có một số nguyên nhân khác có thể gây ra bệnh mù màu đó là:
- Hậu quả của các bệnh lý như: thoái hóa điểm vàng, bệnh võng mạc, đục thủy tinh thể…
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc dùng để điều trị: tăng huyết áp, bệnh tim, rối loạn thần kinh…
- Mắt tiếp xúc với một số hóa chất mạnh có thể gây mất màu sắc thị giác.
- Do đột biến gen.
- Do rối loạn di truyền.
- Do chấn thương vùng mắt.
- Do mắt bị lão hóa.
Bệnh mù màu có chữa được không?
Thực tế, hiện nay khoa học chưa có cách điều trị bệnh mù màu một cách hoàn toàn, đặc biệt với các trường hợp bệnh mù màu do di truyền. Tuy nhiên, chúng ta không nên quá lo lắng khi gặp trường hợp bệnh mù màu, vì nó không ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh, đồng thời cũng có những cách khắc phục thị lực khỏi tình trạng mù màu đó là:
- Sử dụng kính lọc màu dựa trên bộ lọc Bragg. Loại kính này khá hiệu quả trong việc giúp người bệnh nhìn được đúng màu sắc của vật. Tuy nhiên chúng có giá thành cao, cồng kềnh và không phải đều tương thích với mọi trường hợp bệnh mù màu.
- Hiện nay, cũng có một nghiên cứu về một loại dẫn xuất Rhodamine kết hợp trong kính áp tròng giúp lọc ra các dải bước sóng cụ thể, khi đó giúp người mắc bệnh mù màu có thể phân biệt được một chút màu sắc của vật. Tuy nhiên chúng không quá hoàn chỉnh và hình ảnh thấy được bị méo mó. Hy vọng nghiên cứu này sẽ thành công hơn trong tương lai gần.
Tóm lại, bệnh mù màu vẫn chưa có cách điều trị hoàn toàn. Tuy nó không ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh, nhưng gây ra nhiều khó khăn trong vấn đề sinh hoạt cũng như công việc bị hạn chế. Nếu có các vấn đề biểu hiện của bệnh mù màu, cần tới ngay các cơ sở y tế chuyên khoa mắt để được thăm khám.
Tại sao bệnh mù màu thường xuất hiện ở nam giới?
Bệnh mù màu do nguyên nhân rối loạn di truyền là phổ biến nhất. Rối loạn di truyền gây ra bệnh mù màu liên quan đến cặp nhiễm sắc thể giới tính. Trong đó nhiễm sắc thể giới tính nữ là XX, nam là XY.
Bệnh mù màu hình thành do việc thiếu hụt hoặc đột biến một gen trên nhiễm sắc thể X. Từ đó làm rối loạn tế bào cảm thụ ánh sáng để phân biệt màu sắc ở mắt. Gen này là gen lặn, do đó nếu nam giới nhận được gen lặn này ở mẹ thì không thể phân biệt được màu sắc. Bởi nhiễm sắc thể Y không chứa gen màu sắc trội để lấn át gen mù màu. Do đó, bệnh mù màu thường gặp chủ yếu ở nam giới.
Bác sĩ chuyên khoa II
Nguyễn Đỗ Thanh Lam