“Bệnh đau mắt đỏ trẻ em” là bệnh Viêm kết mạc xảy ra ở mắt trẻ con. Viêm kết mạc có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Do trẻ con lo sợ, do đau mắt, do khó mở được mắt…cần phải quan sát rõ các bộ phận trong mắt, bác sĩ gặp nhiều khó khăn khi khám mắt cho trẻ, nhất là với trẻ quấy khóc.
Bệnh viêm kết mạc ở trẻ em có nhiều khó khăn hơn người lớn
- Trẻ không diễn tả được triệu chứng khó chịu trong mắt, chỉ biết quấy khóc.
- Khám mắt gặp nhiều khó khăn vì trẻ không hợp tác do sợ, do mắt đau, do khó mở được mắt…
- Phụ huynh gặp khó khăn khi chăm sóc mắt cũng như nhỏ tra thuốc cho trẻ.
- Khi có biến chứng như kết mạc giả mạc: khó thực hiện bóc giả mạc cho trẻ…
Tâm lý của phụ huynh khi con bị viêm kết mạc
Không biết mắt trẻ đang bị bệnh gì.
Nóng ruột, mệt mỏi khi bé quấy khóc liên tục.
Vô cùng lo lắng, hoảng hốt khi mắt bé sưng đỏ, chảy dịch hồng như máu…
Không biết cách nhỏ thuốc, cách vệ sinh mắt khi trẻ không hợp tác.
Nôn nóng muốn bé hết bệnh ngay, càng sớm càng tốt.
Thiếu tin tưởng vào bác sĩ khi trẻ chưa khỏi bệnh chỉ sau vài ngày điều trị.
Phụ huynh thường có những cách xử lý không đúng
Nghe lời bàn của những người xung quanh và áp dụng các biện pháp dân gian thiếu khoa học như: đắp nha đam, lá trầu hoặc cây lá lên mi mắt bé, vắt rau răm lên tai… mà không cần đến gặp bác sĩ.
Tự mua thuốc nhỏ mắt ở các hiệu thuốc.
Nhỏ thuốc 1 vài hôm không thấy thuyên giảm đã vội vã đổi thuốc điều trị.
Khi mắt có biến chứng, không hợp tác với bác sĩ khi thực hiện bóc giả mạc…
Những hiểu biết về bệnh viêm kết mạc trẻ em (bệnh đau mắt đỏ trẻ em), các triệu chứng thường gặp, thời gian diễn tiến của bệnh, thời điểm có thể xảy ra các biến chứng, cách chăm sóc mắt, cách nhỏ thuốc cho trẻ…là rất quan trọng.
Bệnh đau mắt đỏ trẻ em do 2 nguyên nhân: do nhiễm trùng và không do nhiễm trùng.
Viêm kết mạc do nhiễm trùng
Nguyên nhân do vi trùng, virus…
Triệu chứng
Đỏ mắt, sưng mi nhiều, nhiều dịch tiết (vàng, xanh) bé khó mở mắt vào buổi sáng, chảy dịch hồng (do kết mạc viêm gây xuất huyết hòa với nước mắt).
Có khi kèm sốt, viêm hạch trước tai, đau họng.
Bệnh kéo dài 1 – 2 tuần. Ngày thứ 3 – thứ 5 mắt bé có thể sưng đỏ nhiều hơn, sang ngày thứ 7 mắt giảm sưng dần: giai đoạn này phụ huynh nên kiên nhẫn vẫn nhỏ thuốc theo toa.
Giai đoạn biến chứng
Thường sau 1 tuần, bé vẫn sưng mắt nhiều (có thể do hình thành giả mạc mi) hoặc đã giảm triệu chứng nhưng trẻ có dấu hiệu chói mắt (viêm giác mạc): cần đưa trẻ đến tái khám, tầm soát biến chứng.
Điều trị
Giữ vệ sinh mắt cho trẻ, nhỏ thuốc theo toa (kháng sinh).
Phải bóc giả mạc khi có biến chứng viêm kết mạc giả mạc. Bé sẽ đau, khó chịu và chảy máu khi bóc giả mạc: phụ huynh nên hợp tác với bác sĩ.
Viêm kết mạc nhiễm trùng có thể lây lan: đang độ tuổi đi học trẻ không thể đến nhà trẻ, trường học.
Viêm kết mạc không do nhiễm trùng: Viêm kết mạc dị ứng
Nguyên nhân
Do cơ địa trẻ dễ bị dị ứng, viêm kết mạc sau khi cơ thể, mắt trẻ tiếp xúc với dị nguyên.
Dị nguyên có thể là
Bụi, lông chó mèo, bụi vải len, tiếp xúc nước hồ bơi, không khí lạnh, thức ăn…
Triệu chứng
Ngứa, dịch tiết dạng sợi trong, phù mi, phù kết mạc ngay sau khi bé dụi mắt.
Có thể kèm sổ mũi, nghẹt mũi.
Bệnh xuất hiện từng đợt khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên.
Điều trị: Kháng dị ứng (thuốc nhỏ mắt, thuốc uống), tránh tiếp xúc dị nguyên.
Biến chứng: nếu bệnh lặp lại nhiều lần, kết mạc mi có thể xuất hiện nhiều nhú gai cọ vào giác mạc gây viêm giác mạc.
Khám mắt cho trẻ bị đau mắt có khó hay không?
Do trẻ con lo sợ, do đau mắt, do khó mở được mắt…cần phải quan sát rõ các bộ phận trong mắt, bác sĩ gặp nhiều khó khăn khi khám mắt cho trẻ, nhất là với trẻ quấy khóc.
Phụ huynh cùng hợp tác với bác sĩ:
- Nếu trẻ lớn: có thể giải thích trước cho trẻ lý do phải khám mắt, cho trẻ xem qua cách khám mắt, động viên bé khám mắt không gây đau…
- Trẻ quấy khóc: ngoài điều dưỡng phụ khám, cần có sự hỗ trợ của phụ huynh lúc khám, giữ yên đầu trán của bé khi bác sĩ khám mắt cho trẻ hoặc khi cần bóc giả mạc.
Cách chăm sóc mắt cho trẻ bị bệnh đau mắt đỏ
Ngay khi bé có triệu chứng đau mắt đỏ, phụ huynh nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ: xác định có phải bệnh viêm kết mạc, bác sĩ sẽ kê toa thuốc, hướng dẫn cách chăm sóc và lịch tái khám.
- Tránh lây nhiễm: Người lớn và trẻ nên rửa tay thường xuyên, nhất là trước và sau khi chăm sóc mắt cho trẻ.
- Vệ sinh mắt: cho trẻ nằm, dùng bông gạc sạch thấm nước ấm lau nhẹ nhàng sạch dịch tiết ở mi mắt.
- Tránh để trẻ dụi tay vào mắt: vì gây trầy viêm giác mạc (tròng đen), có thể giảm khó chịu cho trẻ bằng cách chườm khăn lạnh lên mắt.
Cách nhỏ thuốc:
- Cho trẻ nằm, nếu trẻ quấy có thể nhờ thêm người phụ giữ đầu trán trẻ. Vệ sinh mắt, thấm khô nước mắt, vạch nhẹ mi dưới nhỏ 1 giọt thuốc vào kết mạc mi dưới (thao tác nhanh, gọn gàng, chính xác).
- Nếu trẻ khóc, tạm ngưng sau 5 -10 phút nhỏ tiếp mắt thứ hai.